Theo Avia-pro, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ sung nhắm vào quân đội Nga đóng tại ba cơ sở quân sự trong và xung quanh thành phố Ain Issa. Theo thông tin mà nguồn tin Avia.pro có được, các cuộc tấn công được tiến hành vào ban đêm, dường như nhằm mục đích che giấu khu vực nổ súng.
Được biết, sau các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoại ô thành phố Ain Issa, quân đội Nga đã không bị thiệt hại, tuy nhiên, các cuộc tấn công chỉ cách trạm kiểm soát quân sự của Nga 1,5 km.
Theo một số phương tiện truyền thông của người Kurd, cuộc tấn công vào Ain Issa có thể là một biện pháp đối phó với quân đội Nga nhằm đáp trả các cuộc tấn công của máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga, cũng như để đáp trả việc hệ thống phòng không Syria bắn hạ ba máy bay không người lái do thám Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào các vị trí của quân đội Nga ở khu vực Ain Issa, mặc dù Ankara đã nhiều lần nhận được cảnh báo về những rủi ro đối với quân đội Nga.
Và những lần trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công nhầm vào cứ địa của Nga, dù không để lại hậu quả nhưng Ankara đã phải đối mặt với những đòn đáp trả không giản đơn của Moscow. Vụ việc lần này nếu đúng là sự thực khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối mặt với thách thức lớn. Phải chăng Ankara đã chuẩn bị cho những đáp trả mà nước này phải đối mặt.
Mối quan hệ căng thẳng
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng nhiều lần tiến hành đàm phán để tìm cách giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib ở phía tây bắc Syria, nhưng không đạt được thỏa thuận. Bạo lực gia tăng tại đây khi lực lượng Chính phủ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga, đạt nhiều tiến triển trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát khu vực được coi là thành lũy cuối cùng của phiến quân trên lãnh thổ Syria này. Điều này được Thổ Nhĩ Kỳ coi là vi phạm thỏa thuận đã ký giữa Ankara với Moscow từ năm 2018 về việc thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành các cuộc tiến công đáp trả.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, cùng với việc đóng cửa không phận do bất đồng với Nga về tương lai của tỉnh Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây khó khăn cho việc tiếp vận qua đường hàng hải cho quân đội Nga ở Syria, hoạt động chiếm tới 90% nguồn cung, bằng việc không cho các tàu của Hải quân Nga đi qua eo biển Bosphorus.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn mang mong muốn giành lại quyền kiểm soát phía Đông Idlib chứ không hướng tới lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hay đối đầu quân sự trực diện với Nga, vốn vượt trội về tiềm lực quân sự và là đối tác quan trọng bậc nhất trong chiến lược khu vực hiện nay.
Có điều mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Nga. Trong khi Nga chủ yếu hướng tới củng cố vị thế tại Damascus và không có lợi ích trong giao tranh với Ankara.
Ở Syria, cần một giải pháp chính trị đồng bộ, toàn diện nhằm chấm dứt xung đột tại đây. Và để đạt được điều này, rất cần sự hiện diện của chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad với thỏa thuận và cam kết thỏa mãn lợi ích của các bên.
Khi tham dự vào cuộc nội chiến Syria, mỗi bên đều mang những mục tiêu khác nhau. Syria mong muốn có được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bao gồm cả Idlib. Với Nga, đó là việc củng cố ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là chấm dứt nạn người nhập cư tràn qua biên giới, nguy cơ an ninh từ người Kurds và khẳng định vai trò tại Syria.
Vũ Thu Hương
Nguồn: nguoiduatin.vn