Theo đó, nhà máy Emergent BioSciences đã để lô nguyên liệu dùng để bào chế vaccine J&J lẫn với thành phần dùng sản xuất vaccine AstraZeneca. Số nguyên liệu bị hỏng đủ để sản xuất 15 triệu liều vaccine J&J, hiện đã được tiêu hủy.
Sau đó, FDA mở cuộc điều tra từ ngày 12/4 đến ngày 20/4. Kết quả, nhà máy Emergent không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, tường tróc sơn, sàn và tường bị mốc đen nâu. Nhà máy quá nhỏ và không được thiết kế hợp lý để khử trùng toàn bộ. Nhân viên tại đây không tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng cho nguyên liệu. Camera an ninh ghi nhận một số nhân viên mang túi chất thải y tế không được bọc kín đi quanh nhà máy. Những chiếc túi này chạm vào các nguyên liệu dùng để sản xuất vaccine.
Một dược sĩ cầm lọ vaccine Johnson & Johnson tại Bệnh viện Hatford, Connecticut. Ảnh: AP.
FDA cho biết tất cả sản phẩm vaccine tại nhà máy này chưa được phân phối vì chưa được cấp phép. Nhà máy phải dừng hoạt động vào cuối tuần trước theo yêu cầu của FDA. Tất cả sản phẩm trong nhà máy và các lô hàng được đóng gói từ trước đang được lưu trữ, kiểm tra.
"Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để đảm bảo vaccine Covid-19 đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và hiệu quả", FDA thông báo.
Từ một công ty ít tên tuổi, năm ngoái Emergent BioSciences nổi lên và nắm vai trò lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Không rõ các bên liên quan mất bao lâu để giải quyết vấn đề và giao kịp 100 triệu liều vaccine cho Mỹ vào cuối tháng 5, cùng một tỷ liều trên toàn cầu vào cuối năm 2021.
"Chúng tôi chưa rõ vụ việc sẽ ảnh hưởng ra sao tới tiến độ sản xuất và cung cấp vaccine", đại diện J&J cho biết.
Mỹ đã đình chỉ vaccine J&J do lo ngại về chứng đông máu hiếm gặp. Giới chức sẽ họp vào ngày 23/4 để thảo luận có nên tiếp tục sử dụng vaccine này hay không.
Ngày 20/4, Cơ quan Dược phẩm châu Âu xác định đông máu là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine J&J, nhưng lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn rủi ro.
Mai Dung (Theo AP)
Nguồn: vnexpress.net