Sáng thứ Ba, đã có đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên
Nhiều tuyến tàu bị huỷ hoặc chậm chuyến khi cảnh sát kiểm tra hành khách tại các nhà ga, tạo nên hàng dài người xếp hàng.
Cảnh sát chống bạo động đã vào một số trường đại học vào sáng thứ Ba, bắn hơi cay để giải tán sinh viên.
Vào thứ Hai, Hong Kong đã chứng kiến sự leo thang bạo lực rõ rệt.
Cảnh sát đã bắn đạn thật vào một người biểu tình. Trong khi đó, một người đàn ông khác bị những người biểu tình chống chính phủ đổ xăng phóng hỏa. Cả hai đều trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Hàng chục trường học địa phương và quốc tế khắp Hong Kong cho biết họ sẽ đóng cửa vào thứ Ba thông qua tin nhắn văn bản với phụ huynh. Lý do đưa ra là vì những lo ngại về an toàn trong thời gian biểu tình đang diễn ra.
Tổ chức các trường Anh ngữ của thành phố nói rằng "do mối quan ngại của chúng tôi với sự an toàn của học sinh và nhân viên, tất cả các lớp ESF đều nghỉ ngày hôm nay. Học sinh không nên đi đến trường".
Một trường tiểu học địa phương cho biết họ sẽ đóng cửa vì "cuộc xung đột nghiêm trọng trong khu học chánh" và cảnh báo trường học có thể bị ảnh hưởng bởi hơi cay.
Phát biểu vào sáng thứ Ba. Đặc khu trưởng Carrie Lam cho biết mặc dù tình trạng bất ổn, sẽ không có lệnh đóng cửa mọi trường học.
Người biểu tinh và súng cao su tự chế
Vào sáng thứ Ba, các tuyến đường sắt bị tạm ngưng đã dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài trong giờ cao điểm.
Hầu hết người lao động ở Hong Kong phụ thuộc vào giao thông công cộng để đi lại hàng ngày.
Điều gì đã xảy ra hôm thứ Hai?
Người biểu tình đã kêu gọi một ngày xuống đường toàn thành phố. Đầu ngày, một người biểu tình đã bị bắn bởi cảnh sát gần rào chắn.
Ở nơi khác, một người đàn ông đã bị nhiều người biểu tình đổ xăng và phóng hỏa sau một cuộc cãi vã.
Đã có đụng độ trên khắp Hong Kong và cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình.
Hơn 260 người bị bắt hôm thứ Hai, theo cảnh sát, đưa số vụ bắt giữ lên hơn 3.000 kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu.
Đặc khu trưởng Carrie Lam, phát biểu tại một cuộc họp báo vào buổi tối, đã gọi những người biểu tình là kẻ thù của nhân dân.
Trong khi đó, Mỹ đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" đối với tình hình ở Hong Kong, lên án "bạo lực từ mọi phía" và kêu gọi kiềm chế.
Tại sao Hong Kong có biểu tình?
Hong Kong là một phần của Trung Quốc nhưng là một thuộc địa cũ của Anh, khu vực này có một số quyền tự trị và người ở đây cũng có nhiều quyền hơn.
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu chống lại dự luật cho phép dẫn độ về Trung Quốc - điều mà nhiều người lo ngại sẽ làm suy yếu các quyền tự do của Hong Kong
Dự luật đã được rút vào tháng 9 nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và hiện đang kêu gọi dân chủ toàn diện và một cuộc điều tra về hành vi của cảnh sát.
Đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động trở nên ngày càng dữ dội và vào tháng 10, Hong Kong đã cấm các loại mặt nạ.
Nguồn: BBC