Sáng kiến vắc xin là một trong vài chủ đề quan trọng được thảo luận tại cuộc gặp cấp lãnh đạo đầu tiên của "bộ tứ kim cương". Trong đó, họ cam kết sẽ phân phối 1 tỉ liều vắc xin ra khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

42 1 Bo Tu Kim Cuong Cam Ket 1 Ti Lieu Vac Xin Doi Pho Ngoai Giao Vac Xin Trung Quoc

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trong cuộc gặp qua video với lãnh đạo các nước trong "bộ tứ kim cương" hôm 12-3 - Ảnh: REUTERS

Báo South China Morning Post ngày 13-3 đưa tin "bộ tứ kim cương" Mỹ - Nhật - Ấn - Úc (QUAD) đã cam kết phân phối 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước cuối năm 2022, trong một nỗ lực nhằm đối phó với "ngoại giao vắc xin" của Trung Quốc.

Hứa hẹn trên là một nội dung quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh qua video giữa lãnh đạo 4 nước này hôm 12-3. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định xem khu vực này là một trọng tâm trong chương trình nghị sự an ninh quốc gia của mình.

Tại cuộc gặp trên, các lãnh đạo bộ tứ cũng thảo luận những vấn đề hàng hải ở Biển Đông và việc bảo vệ các giá trị dân chủ.

"Bằng việc cam kết vững chắc đối với sức khỏe và sự an toàn của người dân, chúng tôi cũng thừa nhận rằng không ai trong chúng ta an toàn nếu đại dịch còn tiếp tục lây lan. Do đó, chúng tôi sẽ hợp tác để tăng cường quyền tiếp cận vắc xin công bằng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - bộ tứ cho biết trong tuyên bố chung.

Kế hoạch trên sẽ tập trung vào việc mở rộng năng lực sản xuất và phân phối vắc xin, với mục tiêu "đẩy nhanh hơn nữa sự kết thúc của đại dịch COVID-19", theo các chi tiết được Văn phòng Thủ tướng Úc Scott Morrison công bố.

Mỹ sẽ hỗ trợ Công ty Biological E Ltd của Ấn Độ trong việc tăng năng lực sản xuất để tạo ra ít nhất 1 tỉ liều vắc xin trước cuối năm 2022, trong đó có vắc xin do Công ty Johnson & Johnson của Mỹ phát triển.

Bộ tứ đã cam kết cung cấp ít nhất 600 triệu USD để hỗ trợ triển khai vắc xin ngừa COVID-19 ra khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước này cũng sẽ hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình COVAX.

"Một động cơ trong ngoại giao vắc xin của bộ tứ là đánh vào việc xuất khẩu vắc xin và ảnh hưởng ngoại giao mà Trung Quốc đạt được thông qua quá trình đó" - tiến sĩ Karthik Nachiappan, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Nam Á ở Đại học Quốc gia Singapore, bình luận.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC