Một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng cuộc chiến lần này sẽ khác biệt hoàn toàn so với cuộc đối đầu của Mỹ-Liên Xô trước đây.

* Bài viết được đăng tải trên trang The Diplomat, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Mie Oba.

“Bóng ma” của quá khứ

Một số nhà quan sát cho rằng cuộc đối đầu ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Cuộc đối đầu giữa hai nước này đã vượt ra ngoài các vấn đề thương mại và đang lan sang cả lĩnh vực công nghệ, thậm chí là quân sự.

Sự đối đầu giữa hai cường quốc trên Biển Đông là cuộc xung đột về các quy tắc và trật tự quốc tế hiện tại, là sự lựa chọn trật tự hàng hải quốc tế, giữa một bên là tự do và rộng mở dựa trên quy tắc thượng tôn pháp luật, còn bên kia thì ngược lại.

42 1 Bong Ma Qua Khu Am Anh My Trung Sap Nga Vao 1 Cuoc Chien Tranh Lanh Vo Tien Khoang Hau

Bên cạnh đó, hai nước cũng đang cạnh tranh nhau nhằm đạt được lợi thế về mặt công nghệ, một trận địa mới sẽ xác định trật tự thế giới trong tương lai.

Cuộc xung đột hiện tại giữa hai nước Mỹ – Trung là một cuộc tranh đấu giữa một bên là cường quốc thống trị lâu năm và một bên là cường quốc đang trỗi dậy với tham vọng mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Bối cảnh này thực sự gợi lại không khí của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, vốn đã kết thúc từ hơn 3 thập kỷ trước.

Theo dòng quan điểm này, cuộc tranh luận gay gắt giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường liên quan tới vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và việc lần đầu tiên trong lịch sử Hội nghị APEC không thông qua được tuyên bố chung, là những dấu hiệu cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang xé bỏ cấu trúc khu vực đa phương và nhiều tầng nấc ở Châu Á – Thái Bình Dương, thứ đã được tạo nên trong thời kỳ chủ nghĩa quốc tế tự do hậu Chiến tranh Lạnh.

Cuộc đối đầu Mỹ – Trung thậm chí có thể khiến các nước trong khu vực không thể đáp ứng các yêu cầu tối thiểu để duy trì và giữ gìn cấu trúc này, như việc sẵn sàng hợp tác để cùng nhau tiến bộ, khi họ có những bất đồng về các vấn đề cụ thể.

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một “bức màn sắt mới”?

Nhưng nếu giả sử đây là cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thì nó hoàn toàn khác với với cuộc đối đầu Mỹ – Xô trước đây, khi thế giới chia thành hai cực đối lập ở hai phía do Mỹ và Liên Xô dẫn đầu.

Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa mở rộng, các hoạt động kinh tế, xã hội giữa các quốc gia có mối liên hệ hết sức chặt chẽ. Những cuộc giao dịch xuyên quốc gia ngày càng đa dạng và có quy mô lớn hơn, trong khi chuỗi giá trị toàn cầu được tạo dựng, sự lưu chuyển các dòng vốn quốc tế, sự đi lại của người dân, gồm cả khách du lịch và người lao động, hoạt động truyền bá văn hóa truyền thống cũng như văn hóa đại chúng thông qua mạng Internet.

Các nền kinh tế và xã hội trong các quốc gia có chủ quyền được kết nối chặt chẽ với nhau và với thế giới bên ngoài, từ đó có tác động, ảnh hưởng mật thiết lẫn nhau. Chúng ta không còn sống trong một thế giới mà các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau bị ngăn cách bởi một bức màn sắt.

Bởi nhiều quốc gia phải đáp ứng với thực tế mới này, mục tiêu của họ là tránh các hành động có thể khiến sự chia rẽ và bất hòa leo thang. Nhật Bản, Mỹ và Úc đang cố gắng để thống nhất định hướng cho Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chung.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang tìm cách ổn định mối quan hệ với Trung Quốc thông qua việc hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba. Ấn Độ cũng đang cố gắng để tránh xảy ra xung đột với Trung Quốc, dù nước này cũng đang lo lắng vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương.

Các nước thành viên ASEAN nhận thức rõ về nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, và cố gắng tránh rủi ro đó, tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy quan hệ và kêu gọi cam kết từ Mỹ và Nhật Bản.

42 2 Bong Ma Qua Khu Am Anh My Trung Sap Nga Vao 1 Cuoc Chien Tranh Lanh Vo Tien Khoang Hau

Ảnh minh họa: IC.

Dù vậy, các nước này vẫn chấp nhận sự hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Chiến lược của các nước này không xác định việc bảo vệ lợi ích quốc gia một cách cứng nhắc, đồng thời duy trì một sự độc lập về ngoại giao nhất định trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Họ cũng hiểu được rằng việc phá vỡ các mạng lưới có mối liên chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau trong thời đại toàn cầu hóa và trong một thế giới bị chi phối bởi trật tự thế giới tự do sẽ đi kèm theo những rủi ro và những cái giá không nhỏ.

Liệu động thái ngăn chặn Huawei ra khỏi ngành kinh doanh mạng viễn thông thế hệ tiếp theo (5G) của Mỹ và các quốc gia khác có đang biểu thị nỗ lực xây dựng một “bức màn sắt” khác trong một thế giới đang hoàn toàn theo xu thế toàn cầu hóa?

Sự khác biệt lớn nhất giữa đối đầu Mỹ – Xô trước đây và căng thẳng Mỹ – Trung hiện nay là việc không có một ý thức hệ để tuyên truyền.

Dường như Trung Quốc muốn được tự do hành động hơn cách tăng cường sức ảnh hưởng kinh tế và chính trị, nhưng hiện tại vẫn chưa có bất kỳ quy tắc và giá trị nào đủ hấp dẫn để tạo ra nền tảng cho trật tự thế giới mới khiến các nước tâm phục khẩu phục.

Còn dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đang theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, nhấn mạnh lợi ích quốc gia và chỉ trích các đồng minh, ngay cả khi Mỹ muốn tập hợp một liên minh để gây áp lực với Trung Quốc.

Hiện tại, Mỹ đang phải đối mặt với sự chia rẽ nội bộ nghiêm trọng, và có vẻ như nước này không còn là một ngọn hải đăng về tự do và dân chủ như nó đã từng trong quá khứ.

Cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nếu giả sử có xảy ra, sẽ phức tạp hơn cuộc Chiến tranh Lạnh cũ rất nhiều, cả về mặt xung đột hay hợp tác, chia rẽ hay thống nhất. Chúng ta đang bước vào một thời đại vô cùng bất định.

 

Nguồn: Thời Đại




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC