Mùa Hè năm nay, Toyota đã âm thầm công bố một bản thông cáo báo chí nói rằng họ sẽ sản xuất SUV thay vì mẫu Corolla tại một nhà máy sản xuất chung với Mazda Motor ở bang Alabama, Mỹ, dự kiến mở cửa trong năm 2021. Toyota cũng quyết định sẽ sản xuất các mẫu xe bán tải trung thay vì Corolla tại một nhà máy ở Mexico, dự kiến đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2020.
Quyết định thay đổi mẫu xe sản xuất trong tương lai là điều bất thường đối với các hãng xe, bởi họ thường phải bỏ ra nhiều năm liền để hội tụ đủ các nhà cung ứng gần 30.000 bộ phận cấu thành một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, Toyota vẫn buộc phải làm như vậy, do thị trường Mỹ giờ đang có xu hướng chuộng các loại xe cỡ lớn hơn, cùng lúc tránh xa các loại xe hơi thân thiện với môi trường – vốn đang là thế mạnh của Toyota.
Tổng thống Trump đã giảm dần các tiêu chuẩn về hiệu suất sử dụng nhiên liệu kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017. Các công ty Mỹ như General Motors cũng tìm cách thích nghi bằng cách tăng cường sản xuất các loại xe cỡ lớn hơn, buộc Toyota cũng phải theo sau nếu không muốn bị tụt hậu.
Các nhà cung ứng thiết bị còn đối mặt với tình trạng bất ổn lớn hơn. “Có khi chỉ cần trả tiền thuế lại là lựa chọn bớt gây gánh nặng nhất” – ông Katsuya Nishi, Chủ tịch của công ty chuyên về cung ứng Sanden Holdings, nói trong một cuộc họp tổ chức hồi mùa Hè năm nay.
Lãnh đạo một số công ty chuyên sản xuất thiết bị điều hòa xe hơi còn đang bàn xem liệu có nên tiếp tục nhập các sản phẩm hoàn thiện từ Mexico thay vì sản xuất ngay tại Mỹ để tránh thuế hay không. Tuy nhiên, họ không thể đi đến quyết định cuối cùng bởi có nhiều yếu tố cần phải xem xét.
Dây chuyền lắp ráp động cơ xe hơi của Toyota ở Huntsville, Alabama, Mỹ (Ảnh: Nikkei)
Hãng Sanden vận hành nhiều công ty trên toàn thế giới, chuyên cung cấp bộ phận, thiết bị xe hơi cho các hãng xe của Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Khoảng 20% sản lượng của họ tại Mexico hiện đang được xuất sang Mỹ, nhưng hiện nay câu hỏi về việc nên sản xuất mẫu xe nào để hài hòa với thị trường Mỹ ngày càng khiến họ đau đầu.
Theo Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada – phiên bản được sửa đổi của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – ít nhất 40% của một chiếc xe hơi thành phẩm cần phải được chế tạo bởi các công ty trả lương cho nhân viên với mức tối thiểu là 16 USD, nhằm tránh bị Mỹ đánh thuế. Sanden ban đầu định đẩy mạnh sản lượng ở 2 xưởng sản xuất của họ ở Mỹ, nhưng thị trường xe hơi ở nước này đang chững lại, khiến họ không thể quyết định.
Doanh số bán xe hơi mới ở Mỹ được dự báo sẽ giảm trong năm nay. Bởi vậy, một số lãnh đạo của Sanden muốn vận hành các cơ sở sản xuất ở Mexico sẵn sàng tăng sản lượng để đề phòng trường hợp cần thiết.
Showa – hãng cung cấp hệ thống lái cho Honda Motor – cũng đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn.
“Liệu chúng tôi có nên tăng cường hoạt động sản xuất ở Mỹ hay ở Mexico? Chúng tôi có nên tiếp tục trả tiền thuế quan? Chúng tôi không thể đưa ra quyết định trong bối cảnh nhiều điều còn chưa rõ ràng như thế này” – lãnh đạo cấp cao của Showa, ông Narutoshi Wakiyama, nói.
Các chính sách của ông Trump cũng có thể gây ảnh hưởng tới tương lai của thị trường xe hơi Mỹ.
“Trung Quốc và châu Âu đang hướng tới các phương tiện chạy bằng điện năng” – phân tích gia Kota Yuzawa của ngân hàng Goldman Sachs, nhận định – “Nếu Mỹ tụt hậu trong cuộc đua này chỉ vì Tổng thống Trump, các công ty sẽ phải chịu chi phí lớn hơn để phát triển sản xuất”.
Theo Nikkei