Chính phủ Indonesia đã vạch ra 4 chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có việc tìm sang Trung Quốc, trước tác động của việc một số quốc gia ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu vắc xin.

42 1 Cac Nuoc Thieu Nguon Cung Vac Xin Trung Quoc Lai Dat Hang

Người dân ở khu du lịch Sanur, Bali được tiêm vắc xin AstraZeneca để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch trở lại - Ảnh: REUTERS

Theo báo Jakarta Post, phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết chiến lược đầu tiên là bảo vệ nguồn cung hiện có, mở các chương trình tiêm chủng theo kế hoạch hợp tác công - tư, đồng thời tìm kiếm các nguồn dự trữ từ Trung Quốc và Mỹ.

Lệnh tạm ngừng xuất khẩu vắc xin (vaccine) của Ấn Độ đã ảnh hưởng đến kế hoạch cung cấp 100 triệu liều vắc xin từ Liên minh toàn cầu về vắc xin (GAVI) và hãng dược phẩm AstraZeneca cho Indonesia.

Theo Bộ trưởng Budi, Indonesia đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung đã cam kết. Chính phủ đã yêu cầu GAVI thực hiện lời cam kết và tìm cách mua vắc xin cho Indonesia, cũng như sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với GAVI về vấn đề này.

Chiến lược thứ 2 là đạt mục tiêu tiêm chủng thông qua cơ chế hợp tác công tư, chương trình tiêm chủng đặc biệt dành cho người lao động do các công ty tự đài thọ. Hiện 35 triệu liều vắc xin đã được đặt cho chương trình tiêm chủng tư nhân này.

Chiến lược thứ 3 là tìm kiếm nguồn dự trữ bằng cách bổ sung 90 - 100 triệu liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc. Theo ông Budi, Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra nhất quán trong việc thực hiện các cam kết cung ứng vắc xin. Ông cũng hy vọng Tổng thống Joko Widodo sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao với Chính phủ Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn vắc xin bổ sung này.

Chiến lược thứ 4 là tiếp cận nguồn dự trữ vắc xin của Mỹ nhằm dự phòng cho khả năng kế hoạch tiếp nhận 54 triệu liều vắc xin từ GAVI và 50 triệu liều từ hãng AstraZeneca bị cản trở. Theo Bộ trưởng Budi, Indonesia đã bắt đầu có các động thái ngoại giao và vận động hành lang với phía Mỹ một khi Washington bắt đầu phân phối vắc xin cho các nước khác.

Ngày 8-4, Bộ Y tế Indonesia thừa nhận việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia vắc xin ngừa COVID-19 với 1 triệu liều mỗi ngày sẽ bị trì hoãn so với mục tiêu ban đầu do khó khăn về nguồn cung.

Ban đầu Bộ Y tế Indonesia lạc quan có thể đạt được mục tiêu trên vào tháng 6 - 7 tới. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này đã được lùi đến tháng 7 - 8 trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu vắc xin của một số quốc gia khiến lịch trình cung ứng cho Indonesia bị trì hoãn.

Phát biểu với kênh truyền hình CNN Indonesia, người phát ngôn của Bộ Y tế về chương trình tiêm chủng, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết có thể trong tháng 6 tới chỉ đạt 750.000 liều/ngày và đạt 1 triệu liều/ngày trong tháng 7 và tháng 8.

Ngoài mục tiêu tiêm chủng 1 triệu liều mỗi ngày, bà Nadia cũng thừa nhận rằng kế hoạch tăng tốc độ tiêm chủng lên 750.000 liều/ngày trong tháng 4 này cũng sẽ bị trì hoãn. Tuy nhiên, bà Nadia khẳng định Bộ Y tế Indonesia vẫn tin tưởng rằng chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của nước này sẽ hoàn tất sau 12 tháng kể từ khi được khởi động vào ngày 13-1.

Theo bà Nadia, để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12 tới do Indonesia dự kiến nhận được nhiều loại vắc xin từ các nhà sản xuất khác như Novavax và Pfizer.

Indonesia đã lỡ kế hoạch nhận khoảng 10 triệu liều vắc xin của hãng AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX trong tháng 3 và tháng 4. Theo đó, quốc gia này sẽ chỉ nhận được 1,3 - 1,4 triệu liều trong tổng số 11,7 triệu liều vắc xin của AstraZeneca từ cơ chế COVAX.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC