(Ảnh minh họa: Fortune).
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công toàn cầu tính đến cuối năm 2022 đã chạm mức 91.000 tỷ USD, hay 92% GDP.
Khi gánh nặng nợ nần chồng chất trên khắp thế giới, các nhà đầu tư càng trở nên quan ngại hơn.
Ở Pháp, tình trạng bất ổn chính trị đã làm trầm trọng thêm nỗi lo về nợ công, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt.
Vòng đầu tiên của cuộc tranh cử nhanh vào Chủ nhật tuần trước cho thấy một số lo ngại tồi tệ về thị trường có thể không xảy ra. Nhưng ngay cả khi không có nguy cơ xảy ra khủng hoảng ngay lập tức, các nhà đầu tư vẫn đòi hỏi lợi suất cao hơn để mua nợ của nhiều chính phủ trong bối cảnh khoảng cách giữa chi tiêu và thuế ngày càng tăng.
Chi phí trả nợ cao hơn có nghĩa là ít tiền hơn cho các dịch vụ công quan trọng hoặc ứng phó với các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính, đại dịch hoặc chiến tranh.
Vì lợi suất trái phiếu chính phủ được sử dụng để định giá các khoản nợ khác, chẳng hạn như thế chấp, lợi suất tăng cũng có nghĩa là chi phí vay nợ cao hơn, gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.
Khi lãi suất tăng, đầu tư tư nhân giảm khiến các chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc vay mượn để đối phó với suy thoái kinh tế.
Bà Karen Dynan, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ và hiện là giáo sư tại trường Đại học Harvard Kennedy nhận định, giải quyết vấn đề nợ sẽ đòi hỏi phải tăng thuế hoặc cắt giảm các phúc lợi như chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế.
Tại Mỹ, chính phủ liên bang sẽ chi 892 tỷ USD trong năm nay để trả lãi.
Năm tới, các khoản thanh toán lãi suất sẽ vượt 1.000 tỷ USD, đối với khoản nợ quốc gia lên đến 30.000 tỷ USD. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), con số này tương đương quy mô của nền kinh tế Mỹ.
CBO dự đoán nợ của Mỹ sẽ đạt 122% GDP chỉ sau 10 năm nữa. Đến năm 2054, tỷ lệ này sẽ lên 166% GDP và khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Bà Dynan cho rằng nếu nợ công lên đến 150% hoặc 180% GDP, lúc đó "nền kinh tế và xã hội nói chung sẽ phải trả giá đắt".
Tại Anh, các chính trị gia cũng hết sức lảng tránh các vấn đề liên quan đến tài chính trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7.
Giám đốc IFS Paul Johnson nói: "Bất kể ai nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử, trừ khi gặp may mắn, họ sẽ sớm phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt. Tăng thuế nhiều hơn hoặc cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực, hoặc vay nhiều hơn và chấp nhận nợ tiếp tục tăng".
Đức cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết món nợ quốc gia. Cuộc tranh cãi đang diễn ra về trần nợ đã đặt liên minh cầm quyền vào tình trạng căng thẳng tột độ. Tình trạng bế tắc chính trị có thể lên đến đỉnh điểm trong tháng này.
Thùy Linh
Theo Money Control
Nguồn: Báo điện tử Dân trí