Khu vực mỏ vàng Hope Bay ở miền bắc Canada ảnh: Wikipedia
TMAC Resources nói quy trình đánh giá liên bang đối với thương vụ của công ty khai mỏ Sơn Đông nhằm mua lại công ty Canada đang gặp khó khăn này sẽ kéo dài thêm 45 ngày nữa. TMAC không đưa ra giải thích nào về việc kéo dài này, CBC đưa tin.
Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ giúp công ty khai mỏ Sơn Đông, nhà khai thác vàng lớn thứ hai Trung Quốc, kiểm soát hoàn toàn tài sản của TMAC ở dự án mỏ vàng Hope Bay.
Nằm ở vùng Nunavut ở miền bắc Canada, Hope Bay không chỉ giàu trữ lượng vàng mà còn nằm trên tuyến đường biển nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương qua Bắc cực.
Dù tuyến đường này vẫn bị đóng băng và không thể đi lại trong hầu hết thời gian của năm, một số nhà khoa học nói rằng biến đổi khí hậu sẽ sớm thông con đường này, tạo thành tuyến giao thông đường thủy kết nối châu Á và châu Âu ngắn hơn hiện nay.
Giá trị chiến lược và tiềm năng chưa được khai thác của khu vực khiến một số thành viên trong đảng đối lập và cựu quan chức chính phủ Canada kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau ngăn chặn vụ mua lại, báo chí Canada đưa tin.
Đạo luật đầu tư Canada quy định chính phủ phải đánh giá bất kỳ thương vụ mua bán sáp nhập nào của doanh nghiệp nhà nước và có quyền chặn bất kỳ thoả thuận nào có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Hai công ty nhà nước khác của Trung Quốc là MMG và Nikel Jien Cát Lâm trước đây đã mua được mỏ khoáng sản ở vùng thuộc Bắc cực của Canada.
Nunavut là khu vực rộng hơn nước Pháp, nhưng có rất ít dân cư và thiếu hạ tầng.
Bắc Kinh kêu gọi biến Bắc cực thành “Con đường tơ lụa vùng cực”, đề ra những kế hoạch nhằm tích hợp vùng này vào sáng kiến Vành đai Con đường để tạo nên mạng lưới giao thông bắt đầu từ Trung Quốc tỏa đi khắp châu Á và châu Âu.
Thương vụ mua bán mỏ vàng ở Nunavut bị đánh giá lại trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Canada đang ở mức rất thấp khi quá trình xét xử dẫn độ phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu vẫn chưa kết thúc. Hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giữ sau đó, khiến dư luận Canada thêm thành kiến về Trung Quốc, gây áp lực đòi chính phủ của Thủ tướng Trudeau phải cứng rắn với Bắc Kinh.
Theo kết quả khảo sát do hãng nghiên cứu Nanos công bố vào tháng 7 năm nay, 53% người Canada tham gia nghiên cứu nói rằng chính phủ nên có cách tiếp cận quyết liệt hơn để ép Trung Quốc thả hai công dân Canada. Cách tiếp cận cứng rắn hơn là chặn các công ty Trung Quốc mua lại doanh nghiệp Canada và từ chối cấp visa để các quan chức chính phủ và người nhà của họ đến sống hoặc học tập ở Canada, theo khảo sát của Nanos.
Nguồn: baotienphong