Những hậu quả đầu tiên đối với đời sống kinh tế - xã hội Canada cũng bắt đầu bộc lộ. Trong tháng 3/2020, nền kinh tế Canada đã bị mất hơn 1 triệu việc làm, trong khi theo những số liệu ban đầu của Cơ quan Thống kê Canada, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 9% trong cùng tháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về lý thuyết, nền kinh tế Canada đã lâm vào suy thoái trong quý I vừa qua do sức tàn phá của đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cũng nhận định mức sụt giảm của GDP và thị trường lao động trong tháng 4/2020 còn tồi tệ hơn khi Chính phủ Canada trong tháng này đã quyết liệt triển khai các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa các hoạt động kinh tế không thiết yếu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Canada có thể sụt giảm 6,2% trong năm 2020.
Dịch COVID-19 cũng đang đe dọa một trong những động lực chính đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Canada trong dài hạn, đó là nguồn sinh viên nước ngoài. Canada là một trong những quốc gia thu hút nhiều du học sinh quốc tế từ các nước châu Á. Tính đến cuối năm 2019, có hơn 642.000 du học sinh nước ngoài đang theo học tại Canada và Ấn Độ là “nguồn cung” sinh viên lớn nhất cho các cơ sở đào tạo ở “xứ sở lá phong”. Trong khi đó, Việt Nam hiện có trên 21.000 du học sinh tại Canada, là một trong 5 nước đứng đầu về số lượng và một trong 3 nước dẫn đầu về tốc độ tăng sinh viên trong năm qua. Trong năm 2019, số sinh viên nước ngoài tại Canada tăng 13% so với năm trước và tăng tới 95% kể từ năm 2014.
Sinh viên quốc tế đã tạo đà để hoạt động nhập cư vào Canada đạt tốc độ tăng mạnh nhất trong hơn một thế kỷ. Với chính sách mở cửa của Thủ tướng Justin Trudeau, dòng người ồ ạt đổ vào Canada được chào đón dưới hình thức “khuyến khích nhân lực”. Năm 2019, Canada đã “thu nhận” 488.000 người từ nước ngoài, khiến dân số tăng với tốc độ mạnh nhất trong ba thập niên.
Giới quan sát cảnh báo luồng nhập cư sụt giảm có thể khiến những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 trở nên trầm trọng hơn. Trước khi đại dịch bùng phát, Chính phủ Canada đã lên kế hoạch tăng mức nhập cư. Tuy nhiên, Ottawa hiện đã dừng cấp visa cho sinh viên, trong khi những biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch vẫn đang có hiệu lực. Điều này có nghĩa là bất kỳ sinh viên nước ngoài nào đã được nhận vào một chương trình đào tạo tại Canada sẽ vẫn phải ở lại quê nhà cho tới khi nhận được thông báo mới.
Trong bối cảnh các trường đại học tại Canada vẫn đang tiếp nhận sinh viên quốc tế cho kỳ học vào mùa Thu tới, thì các du học sinh ngày một lo ngại khi hoạt động đi lại bị hạn chế và tiến trình xét duyệt visa tạm ngừng. Nhiều sinh viên quốc tế đang hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ kết thúc trước cuối tháng 7/2020. Thời điểm Canada mở lại dịch vụ visa sẽ phụ thuộc vào những diễn biến của đại dịch. Nhưng ngay cả khi chính phủ khởi động lại tiến trình xử lý visa, có thể một số sinh viên sẽ chọn giải pháp học muộn lại 1 học kỳ, hoặc 1 năm.
Chuyên gia kinh tế Andrew Agopsowicz tại Royal Bank of Canada nhận định: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi số lượng sinh viên quốc tế đăng ký nhập học sụt giảm trong mùa Thu tới nếu tình hình dịch bệnh tiếp diễn”.
Nhiều trường đại học tại Canada cho rằng hiện còn quá sớm để nói về khả năng số lượng sinh viên đăng ký theo học sẽ sụt giảm, vì con số chốt sổ sẽ chỉ biết khi các lớp khai giảng trong tháng 9/2020. Trường đại học McGill tại Montreal là một trong số trường tại Canada đã gia hạn đến ngày 1/6 để sinh viên xác nhận đăng ký nhập học, trong khi Đại học Toronto và UBC vẫn giữ nguyên thời hạn ngày 1/5.
Trường đại học Memorial tại thành phố St. John’s, tỉnh Newfoundland đã nhận được nhiều cuộc gọi và email của sinh viên quốc tế hỏi về visa, việc đi lại tới Canada và việc tham dự các lớp học tại trường. Tuy nhiên, bà Sonja Knutson, Giám đốc phụ trách văn phòng quốc tế của Memorial thừa nhận với những câu hỏi này, nhà trường không thể có câu trả lời nhanh chóng và chắc chắn, vì còn phụ thuộc vào tình hình y tế công cộng tại Canada. Nhiều sinh viên quốc tế đang cân nhắc hoãn kỳ học tới tháng 1/2021 nếu tình hình không có bước cải thiện.
Theo báo cáo của Royal Bank of Canada, sinh viên quốc tế chiếm hơn 1/5 lượng sinh viên đang theo học cao đẳng/đại học ở Canada và đem lại cho nền kinh tế khoảng 6 tỷ CAD (4,3 tỷ USD) tiền học phí mỗi năm. Du học sinh người nước ngoài cũng là một kênh cung cấp nhân lực cho thị trường lao động Canada. Hằng năm, du học sinh quốc tế đóng góp 21 tỷ CAD cho nền kinh tế Canada, theo thống kê của chính phủ nước này. Năm ngoái, Canada đã cấp 139.740 visa du học cho các sinh viên Ấn Độ. Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp hiện nằm trong top 4 nước có nhiều du học sinh nhất tại Canada.
Thủ tướng Trudeau đã công bố một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các sinh viên đang theo học cao đẳng/đại học - những người phải đối mặt với cơ hội việc làm sụt giảm trong mùa hè này. Chính phủ sẽ trợ cấp 1.250 CAD/tháng đối với các sinh viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ và con số này sẽ lên tới 1.750 CAD/tháng đối với sinh viên có người phụ thuộc hoặc bị tàn tật. Sinh viên cũng có thể được trả lương với công việc tình nguyện. Tuy nhiên, tất cả các chương trình nói trên chỉ dành cho công dân và những người có thẻ thường trú nhân tại Canada.
Một số trường đại học đã có những bước can thiệp để thu hẹp những bất cập này. Trường Đại học Toronto đã cấp học bổng khẩn cấp trị giá 2,3 triệu CAD cho trên 2.000 sinh viên, và dự kiến triển khai các khoản trợ cấp nhỏ trong mùa Hè này, để sinh viên được trả lương khi làm những công việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Các trường đại học khác đang mở hội chợ việc làm trực tuyến và tổ chức các buổi thảo luận online về kế hoạch nghề nghiệp cho sinh viên.
Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh quốc tế tại Canada. Trong bối cảnh dịch bệnh tại Canada vẫn diễn biến phức tạp với trên 60.700 ca mắc COVID-19 và trên 3.800 ca tử vong tính đến ngày 5/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã làm việc với Liên minh Các trường cao đẳng và đại học của Canada (Universities Canada) để đề nghị các trường có biện pháp giúp đỡ sinh viên Việt Nam đang theo học tại Canada.
Các trường đại học, cao đẳng của Canada thuộc liên minh trên cam kết tiếp tục tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam được ở ký túc xá đến hết năm học và văn phòng sinh viên của các trường đều có các biện pháp hỗ trợ học sinh, sinh viên về mặt tinh thần và y tế. Đối với những sinh viên đã xin được việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng giờ bị mất việc do dịch COVID-19, nếu đáp ứng một số tín chỉ cần thiết, sẽ được trường xác nhận để tạo điều kiện được nhận trợ cấp từ Gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ Canada trong khi chờ đợi có các nguồn tài chính khác.
Đặc biệt, các trường trên cũng cam kết sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam dự định đến Canada học khóa mùa Hè (bắt đầu từ tháng 5 - 6/2020) được theo học chương trình đào tạo trực tuyến và được cấp tín chỉ như theo học tại trường lớp. Bộ Nhập cư, tị nạn và quốc tịch Canada sẽ có chính sách tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh, người lao động nước ngoài, khách du lịch... được làm thủ tục gia hạn thị thực trên trang trực tuyến một cách thuận lợi
Như đánh giá của ông Joseph Wong, Phó hiệu trưởng Đại học Toronto, thị trường lao động lành nghề của Canada phụ thuộc vào những tài năng quốc tế đang được đào tạo tại đây. Đối với nền kinh tế Canada, đây là một yếu tố quan trọng. Bởi vậy, việc gián đoạn luồng du học sinh quốc tế có thể trở thành "cú sốc" đối với nền kinh tế Canada. Mặc dù các cơ quan chức năng Canada đã tính tới khả năng này, song rõ ràng tình hình hoàn toàn phụ thuộc vào việc khi nào Canada kiểm soát được dịch COVID-19.
Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Canada)