Hoạt động ngoại giao dày đặc sau đối thoại Alaska chứng tỏ Mỹ và Trung Quốc đang ráo riết chạy đua “vận động ủng hộ quốc tế”, liên kết, kết nối đồng minh, đối tác, củng cố mặt trận nhằm đối phó với nhau.

Hai thế lực là Mỹ và Trung Quốc, cùng với các đồng minh, đối tác của họ. Sự đối đầu toàn diện giữa 2 bên, trên thực địa, về kinh tế, chính trị, ngoại giao, truyền thông…, có những động thái mới.

42 1 Canh Tranh My Trung Hai The Luc Mot Trung Tam Sự đối đầu toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, trên thực địa, về kinh tế, chính trị, ngoại giao, truyền thông…, có những động thái mới. (Nguồn: IRPJ)

Những động thái mới

Tính sơ sơ, từ cuối năm 2020 đến nay, khu vực đã có hơn chục cuộc diễn tập của cả 2 bên. Tháng 11/2020, là cuộc diễn tập hải quân chung Malabar của Bộ tứ (Quad). Tiếp đó là các cuộc diễn tập hải quân song phương giữa các nước thành viên Bộ tứ. Ngày 28-29/3, Hải quân, Không quân Ấn Độ diễn tập với nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống của Mỹ ở Vịnh Bengal.

Ngày 29-31/3, tàu chiến của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản diễn tập với tàu chiến Australia trên Biển Đông. Cùng ngày 29/3, tàu chiến Nhật Bản diễn tập chung với tàu chiến Mỹ ở biển Hoa Đông. Sau diễn tập, nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống đi vào Biển Đông.

Ngày 5/4, Hải quân Pháp tổ chức cuộc diễn tập 3 ngày mang tên La Perouse với các nước Bộ tứ. Quy mô diễn tập không lớn, nhưng ý nghĩa lớn. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên giữa Bộ tứ với 1 đối tác lớn. Các nhà bình luận gọi là Bộ tứ mở rộng (Quad Plus). Nếu cuộc diễn tập trở thành sự kiện thường niên, cộng thêm đối tác (có thể là Đức, Anh, Canada) thì sẽ trở thành chuyện lớn.

Trung Quốc cũng tiến hành liên tiếp các cuộc diễn tập trên Biển Đông, Biển Hoa Đông. Có cuộc dài 1 tháng, có cuộc diễn tập chung với Singapore. Ngày 4/4, tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc cùng 5 tàu hộ tống đi qua eo biển giữa Miyako và đảo Okinawa, buộc Nhật Bản phải điều tàu chiến, máy bay đến khu vực.

Trung Quốc thực hiện chiến thuật “vùng xám” với khoảng 220 tàu cá, tàu dân quân biển neo đậu trong khoảng 3 tuần tháng 3 ở đá Ba Đầu, thuộc đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Diễn tập dồn dập làm biển nổi sóng. Nhưng nhiều học giả cho rằng các bên sẽ kiềm chế, tránh xảy ra chiến tranh trên biển. Vậy bày ra tàu nhỏ, tàu to làm gì? Câu trả lời: thông điệp răn đe với đối thủ và cam kết với đồng minh, đối tác.

Ông Yogesh Joshi, chuyên gia Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore đánh giá La Perouse gửi thông điệp “Nếu nhiều cường quốc khác cùng chỉ trích hành vi của Trung Quốc hoặc đoàn kết răn đe sự hung hăng từ Trung Quốc, thì rõ ràng Trung Quốc đã chọn cách hành xử sai trái ngay từ đầu”.

Người trong cuộc, Đại sứ quán Pháp tại New Delhi nêu lý do: “Cơ hội để 5 lực lượng hải quân hiện đại và cùng chí hướng thắt chặt quan hệ…”. Cùng chí hướng gì? Không nói cũng rõ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thẳng thừng “để đối phó ảnh hưởng xấu của Trung Quốc ở khu vực”.

Đây cũng là tín hiệu để Philippines và các đồng minh, đối tác ở khu vực tin rằng Mỹ luôn bên cạnh họ, nhất là trước các hành động cưỡng ép ở đá Ba Đầu gần đây. Cựu quan chức Hải quân Ấn Độ cảnh báo “trước thách thức từ Trung Quốc, Ấn Độ không ngần ngại hợp tác quân sự với Mỹ”.

Đối lại, Bắc Kinh chỉ trích “đây là mô hình chống Trung Quốc”, lợi dụng vấn đề an ninh biển để gây căng thẳng khu vực. Thông điệp của Bắc Kinh cứng rắn và rất rõ ràng “Trung Quốc đủ sức đối phó với tất cả”, nhắm vào Mỹ, đồng minh và những ai đang có ý định ngả theo.

Cuộc đua trên mặt trận ngoại giao cũng không kém phần sôi động. Ngày 18/2, các Ngoại trưởng Bộ tứ họp, chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Bộ tứ. Xen kẽ là các cuộc gặp gỡ song phương giữa Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với đồng cấp các nước thành viên Bộ tứ, Hàn Quốc và một số nước khác.

Sau diễn tập La Perouse là cuộc đối thoại 3 bên giữa Ấn Độ, Pháp và Australia, dự kiến vào giữa tháng 4/2021. Hội nghị, đối thoại đa phương, song phương trao đổi nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, nhưng nổi lên vẫn là đối phó các thách thức từ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị liên tục có các chuyến ngoại giao con thoi đến Đông Nam Á, châu Á. Từ 11-17/1, thăm Myanmar, Indonesia, Brunei, Philippines. 22-23/3, hội đàm song phương với Ngoại trưởng Nga. Gặp gỡ song phương với Ngoại trưởng Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc tại Trung Quốc từ 31/3 đến 2/4.

42 2 Canh Tranh My Trung Hai The Luc Mot Trung Tam
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Guilin ngày 22/3/2021. (Nguồn: AFP)

Nếu kể cả chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á cuối 2020, thì Ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp gỡ 9/10 nước ASEAN, có nước đến 2 lần. Trung Quốc hứa hẹn đầu tư, hỗ trợ vaccine, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, nhưng không quên cảnh báo thế lực bên ngoài chia rẽ, gây căng thẳng ở khu vực.

Hoạt động ngoại giao dày đặc sau đối thoại song phương 2+2 giữa Trung Quốc và Mỹ tại Alaska ngày 18-19/3. Chứng tỏ Mỹ, Trung Quốc đang ráo riết chạy đua “vận động ủng hộ quốc tế”, liên kết, kết nối đồng minh, đối tác, củng cố mặt trận nhằm đối phó với nhau.

Cuộc chiến truyền thông mang hình ảnh của 2 võ sĩ. Mỹ và một số đồng minh chỉ trích Trung Quốc vi phạm dân chủ, nhân quyền ở Đài Loan, Hong Kong, thậm chí “phạm tội diệt chủng” ở Tân Cương!

Ngay lập tức, truyền thông, mạng xã hội đáp trả bằng thông tin đậm nét về trào lưu kỳ thị người gốc Á, người da màu ở Mỹ. Bắc Kinh nhắc lại chuyện từ mấy chục năm trước “Mỹ gây tội ác với người Trung Quốc ở Nam Tư”…

Một loạt quan chức ngoại giao, học giả Trung Quốc đăng đàn kêu họ là nạn nhân của truyền thông Mỹ và đồng minh. Quả thật, truyền thông thời 4.0 nhanh nhạy, hiệu quả, nhưng cũng dễ bị sa vào trận đồ bát quái, trắng đen lẫn lộn.

Các đòn trừng phạt kinh tế, thương mại, công nghệ, pháp lý không có dấu hiệu suy giảm, không bên nào chịu kém bên nào.

Thế giằng co còn dài

Cuộc chiến giữa 2 thế lực, trên nhiều “mặt trận”, hỗ trợ, cộng hưởng nhau, càng làm kết cục trở nên khó đoán định.

Hệ thống của Mỹ và đồng minh, đối tác với hạt nhân là Bộ tứ, dựa trên “mối lo ngại từ Trung Quốc” và duy trì trật tự thế giới, khu vực theo luật lệ, đang định hình khá rõ. Nhưng nội hàm quân sự, an ninh cũng cản trở mở rộng liên kết. Nhiều nước không muốn đối đầu, căng thẳng với Trung Quốc.

Liên kết, hợp tác của Trung Quốc với đối tác dựa trên Sáng kiến Vành đai và Con đường, “củ cà rốt” có sức hấp dẫn đối tác, nhất là trong khó khăn hậu Covid-19. Nhưng sự nghi ngại với Trung Quốc không dễ xóa bỏ. Hợp tác Trung-Nga, cùng chặng đường, nhưng không hẳn cùng đích đến. Xem ra, liên kết này có phần lỏng lẻo hơn đối thủ.

Trong khi Mỹ rút khỏi một loạt hiệp định, hiệp ước (từ thời Tổng thống Trump) thì Trung Quốc nhanh tay ký Hiệp định Đối tác Kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) tháng 11/2020 và xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhiều dự báo xác nhận kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong chục năm tới.

Cơ chế của Trung Quốc tạo cho Bắc Kinh thuận lợi hơn trong việc huy động sức mạnh kinh tế phục vụ mục tiêu của chính phủ, gia tăng sức mạnh mềm. Nhưng GDP tính theo đầu người của Trung Quốc còn thua kém Mỹ nhiều. Và Washington cũng không đứng yên để Trung Quốc dễ dàng vượt lên.

Khoa học công nghệ Trung Quốc có bước tiến vượt bậc, nhất là công nghệ 5G. Nhưng Mỹ và đồng minh vẫn nắm giữ nhiều công nghệ nền. Gần đây, Trung Quốc gặp khó khăn trong cung ứng chip cho sản xuất ti vi, điện thoại và nhiều sản phẩm khác do bị cấm vận là một ví dụ.

Mỗi bên có những ưu thế khác nhau, “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Việc tự điều chỉnh khiếm khuyết và cách thức triển khai sức mạnh có vai trò rất quan trọng làm dịch chuyển cán cân. Mọi chuyện còn ở phía trước. Cuộc chiến sẽ giằng co dài dài.

Một trung tâm

Những động thái nêu trên cho thấy ASEAN là tiêu điểm cạnh tranh chiến lược giữa 2 thế lực. Tình hình đó vừa cho thấy vị thế trung tâm vừa là khó khăn trong quan hệ của ASEAN với các nước lớn. Mỹ và một số đồng minh muốn ASEAN, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc, tham gia cơ chế Bộ tứ mở rộng, tham gia diễn tập quân sự, an ninh. Trung Quốc xác định Đông Nam Á, Biển Đông là địa bàn trọng điểm chiến lược, giữ ASEAN trong vòng chi phối, ngăn chặn mọi sự can dự từ bên ngoài.

Định hướng quan hệ của ASEAN đã đề cập trong tài liệu “quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Tinh thần chung là ASEAN cần duy trì vị thế trung tâm của khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn đầu, dựa trên đối thoại và hợp tác.

Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, tại Việt Nam khẳng định cam kết: củng cố đoàn kết, thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong 1 cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp, dựa trên luật lệ… Nâng cao khả năng tự cường và năng lực thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và toàn cầu.

42 3 Canh Tranh My Trung Hai The Luc Mot Trung Tam
Tinh thần chung là ASEAN cần duy trì vị thế trung tâm của khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn đầu, dựa trên đối thoại và hợp tác.

Biển Đông là một trong những nhân tố tác động lớn đến hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, vai trò trung tâm của ASEAN. Ngày 7/4, Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) ASEAN ghi nhận quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hành động đe dọa, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế.

Để củng cố vị thế trung tâm, ASEAN cần giữ vững lập trường nguyên tắc, đối phó với sức ép từ bên ngoài. ASEAN khó tham gia diễn tập quân sự với Bộ tứ mở rộng. Nhưng từng nước ASEAN có thể hợp tác nâng cao năng lực an ninh biển với các nước lớn. Một số nước ASEAN có thể tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển với Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác. ASEAN cần tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với việc xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, ràng buộc pháp lý.

Đồng thời, chủ động phát huy vai trò, áp dụng phương thức phù hợp, phối hợp hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua khó khăn, vì hòa bình, hòa giải và ổn định tại khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ quan điểm của Việt Nam trước tình hình khu vực thời gian qua:

Hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do các nước trong và ngoài khu vực đề xuất. Có 3 tiêu chí làm cơ sở đánh giá các ý tưởng, sáng kiến, hành động là: (i) góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; (ii) dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước; (iii) tôn trọng, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Việt Nam luôn mong muốn và hoan nghênh các ý tưởng, sáng kiến, hành động của các nước, các tổ chức, nếu thỏa mãn 3 tiêu chí cơ bản nêu trên. Quan điểm nhất quán của Việt Nam được nhiều nước hoan nghênh và là đóng góp quan trọng cho ASEAN, cho khu vực trong tình hình phức tạp hiện nay.Vũ Đăng Minh

Nguồn: Báo Quốc Tế




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC