Nếu không bị luận tội hay bị phế truất, Tổng thống Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng sau chín ngày nữa. Theo nhà báo Stephen Collinson của đài CNN thì chín ngày còn lại sẽ vô cùng nhạy cảm và đáng ngại với nước Mỹ khi Tổng thống Trump kiêm tổng tư lệnh quân đội đã biết rõ số phận chính trị cũng như những nguy cơ của mình. Trong thời gian chín ngày này, ông Trump vẫn sở hữu mọi quyền hành tổng thống cùng “chiếc cặp hạt nhân” chứa mã kích hoạt vũ khí hạt nhân.
Ông Douglas Brinkley - nhà sử học về tổng thống lo ngại về nguy cơ xảy ra điều đáng tiếc mà một tổng thống với tâm lý đang trong giai đoạn nhạy cảm, bất ổn có thể gây ra trong vài ngày còn lại. GS Michael Gerhardt tại ĐH North Carolina (Mỹ) thì lo ngại điều tệ nhất trong nhiệm kỳ ông Trump có thể vẫn còn phía trước.
Chiếc cặp chứa mã hạt nhân luôn đi theo Tổng thống Donald Trump (vẫy tay) bất cứ ở đâu. Ảnh: GETTY IMAGES
Trước mắt, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà đã nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley để đảm bảo “một vị tổng thống thiếu ổn định không kích hoạt các hành động quân sự thù địch hay tiếp cận mã tấn công hạt nhân và chỉ đạo một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu”.
Tuy nhiên, đài RT ngày 9-1 dẫn lời một chuyên gia kiểm soát vũ khí cấp cao của Mỹ rằng ông Trump không thể bị phong tỏa khỏi việc kích hoạt hạt nhân nếu ông quyết định làm vậy. Hay nói cách khác, theo chuyên gia Fred Kaplan, ông Trump hoàn toàn có thể “cho nổ tung thế giới” mà không ai có thể chặn lại.
“Nếu ông Milley thành thật trong câu trả lời thì ông ta phải nói với bà Pelosi rằng không có biện pháp phòng ngừa chính thức nào cả, rằng thực tế hệ thống kiểm soát chỉ huy hạt nhân được thiết kế để cho phép tổng thống và chỉ tổng thống được kích hoạt vũ khí hạt nhân càng nhanh càng tốt” - chuyên gia Kaplan giải thích.
Lý do theo chuyên gia Kaplan, thẩm quyền hạt nhân trao cho tổng thống được quy định từ thời Chiến tranh lạnh. Bối cảnh khi đó là trong trường hợp kẻ thù tấn công hạt nhân, tổng tư lệnh quân đội Mỹ có thể quyết định đáp trả chỉ trong vài phút. Đáng chú ý là thẩm quyền này không có sự phân biệt giữa việc đáp trả một vụ tấn công hay chủ động tấn công hạt nhân phủ đầu.
“Trong cả hai trường hợp, tổng thống có được sự độc quyền kiểm soát không bị cản trở” - theo chuyên gia Kaplan.
Năm 2017 đảng Dân chủ cũng từng cố gắng loại bỏ sự kiểm soát của ông Trump với vũ khí hạt nhân Mỹ. Một nhóm nghị sĩ ở Hạ viện và Thượng viện đã giới thiệu dự luật “Hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân trước” với điều kiện là vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng đánh phủ đầu sau khi nước Mỹ chính thức tuyên bố chiến tranh với nước nào đó.
Trong cuộc điều trần ở Thượng viện tháng 11-2017, tướng về hưu Robert Kehler - cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ nói rõ rằng các cố vấn có thể khuyên tổng thống về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng tổng thống có quyền quyết định thời điểm kết thúc chiến dịch hạt nhân khi cần thiết và không có nghĩa vụ phải nghe lời bất cứ ai.
Năm 2019, thêm dự luật thứ hai nhằm ngăn tổng thống sử dụng vũ khí hạt nhân mà không có sự đồng ý của Quốc hội nhưng cũng không được thông qua.
Đăng Khoa
Nguồn: plo.vn