Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 16/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 139.665.857 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.998.843 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 118.715.079 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 578.993 ca tử vong trong tổng số 32.224.080 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 174.335 ca tử vong trong số 14.287.740 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 365.954 ca tử vong trong số 13.758.093 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, CH Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 264 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 251 người và Bosnia-Herzegovina với 233 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 47,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 846.300 ca tử vong trong hơn 26,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 587.800 ca tử vong trong hơn 32,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 290.400 ca tử vong trong hơn 20,3 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 120.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 116.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.
Tại tâm dịch châu Âu, Chính phủ Hà Lan dự kiến sẽ áp đặt việc cách ly bắt buộc kể từ ngày 15/5 tới đối với du khách đến từ các quốc gia có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng. Nước này cũng yêu cầu cách ly bắt buộc trong 10 ngày đối với khách du lịch đến Hà Lan. Những trường hợp không tuân thủ quy định cách ly sẽ bị phạt tài chính lên tới 95 euro (tương đương 113,7 USD).
Ngoài ra, bất kỳ du khách nào khi đến Hà Lan đều phải điền tờ khai ghi rõ địa chỉ nơi họ sẽ cách ly, có thể ở nhà hoặc ở nơi khác. Tại Hà Lan sẽ không áp dụng cách ly tại khách sạn.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hà Lan ghi nhận 1,4 triệu ca mắc bệnh, trong đó hơn 16.800 trường hợp đã tử vong. Hiện tại nước này đã triển khai tiêm chủng cho hơn 2,1 triệu người trong tổng số 17,1 triệu dân.
Cơ quan Vận tải hàng không Nga thông báo lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh đã được gia hạn cho đến tháng 6 do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh.
Nước này cũng khẳng định việc bàn giao vaccine Sputnik V của Nga cho Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu trước cuối tháng 4, sau khi các cơ quan quản lý Ấn Độ đã phê duyệt sử dụng loại vaccine này hôm 12/4. Nga đã ký một số thỏa thuận sản xuất lượng lớn vaccine với các doanh nghiệp Ấn Độ, qua đó dự kiến đưa quốc gia Nam Á trở thành một trung tâm sản xuất loại vaccine này với lịch trình sản xuất dự kiến bắt đầu trong tháng 5.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/4/2021. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trong khi đó, ở châu Á, trong một nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản tối 15/4 đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 4 địa phương gồm Saitama, Chiba, Kanagawa và Aichi từ ngày 20/4 đến ngày 11/5.
Như vậy, đến nay đã có 10 địa phương tại Nhật Bản phải áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, với 6 địa phương trước đó là Okinawa, Tokyo, Osaka, Hyogo, Miyagi, Kyoto.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đối diện làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 với phạm vi toàn quốc. Tổng số ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận trên toàn quốc trong ngày 14/4 là 4.312, lần đầu tiên vượt mức 4.000 ca/ngày kể từ ngày 28/1 và con số nay tiếp tục tăng mạnh vào ngày 15/4 với 4.571 ca, trong đó có 9 ca tử vong. Đáng chú ý, khác với các đợt lây nhiễm trước chủ yếu là người cao tuổi và trung niên, thì các ca nhiễm mới được phát hiện gần đây chủ yếu là giới trẻ.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/4 thông báo đã hợp tác với các chính phủ châu Phi để tăng cường tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm phòng tại châu lục này đang được lưu tâm.
Bà Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi cho biết việc thiết lập các hệ thống giám sát đã được ưu tiên để đảm bảo việc sử dụng vaccine trong các nhóm người có nguy cơ cao sẽ chịu tác dụng phụ ở tỷ lệ thấp nhất. Mỗi mũi vaccine sẽ giúp cộng đồng tiến gần hơn đến việc chấm dứt đại dịch.
Các quốc gia châu Phi đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt để đảm bảo vaccine đáp ứng ngưỡng an toàn, hiệu quả và đang theo dõi tác dụng phụ mà các loại vaccine COVID-19 gây ra sau khi được tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, hơn 13,6 triệu liều vaccine, trong đó có 12 triệu liều AstraZeneca đã được sử dụng ở châu Phi và mới chỉ có một số tác dụng phụ nhẹ được ghi nhận. Không có trường hợp đông máu nào được báo cáo.
Chính phủ Algeria đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm một phần thêm 15 ngày tại một số tỉnh và thành phố, bắt đầu từ ngày 16/4. Theo đó, bất chấp tháng lễ Ramadan, giới nghiêm một phần sẽ được áp dụng từ 23h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau, tại 9 tỉnh thành - gồm Batna, Biskra, Blida, Tebessa, Tizi-Ouzou, Algiers, Jijel, Sidi Bel Abbes và Oran.
Trong khoảng thời gian này, người dân không được phép ra khỏi nhà, trừ những trường hợp bất khả kháng được pháp luật quy định. Ở 49 tỉnh, thành phố khác, người dân không phải chịu lệnh phong tỏa, nhưng tùy theo diễn biến thực tế của dịch bệnh, lãnh đạo địa phương có thể thiết lập, sửa đổi, hoặc điều chỉnh lịch trình, biện pháp phong toả để đề xuất các cơ quan thẩm quyền quyết định áp dụng./.
Nguồn: Vietnam+