Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông hiện đại nhất. Họ cũng sở hữu lưu lượng xe khổng lồ, gần 80 triệu chiếc trên đường.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là một trong những đất nước “lão hóa” nhất. Có đến 1/5 dân số của đất nước Mặt trời là các lão niên tuổi từ 70 trở lên. Với một đất nước dân số già, chuyện “bô lão” lái xe là bình thường. Đáng ngại một nỗi, chuyện “bô lão” lái xe gặp tai nạn cũng thành… bình thường nốt.
Tỷ lệ người già ở Nhật Bản thuộc top đầu thế giới
Tỷ lệ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chết người tăng vọt
Nếu vào năm 2008, số tai nạn giao thông từ các tài xế “thất thập” chỉ chiếm 8,7% tổng các vụ tai nạn nghiêm trọng trên cả nước, thì hiện tại đã tăng lên thành 14,8%.
Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, so với năm 2018, các tai nạn giao thông nguy hiểm, dẫn đến chết người đã giảm. Song, lượng người thiệt mạng vì tai nạn giao thông do các tài xế từ 75 tuổi trở lên lại cao hơn so với các tài xế trẻ. Trung bình cứ trên 100.000 vụ tai nạn giao thông, thì có 8,2 vụ nghiêm trọng, chết người là do tài xế từ 75 tuổi trở lên gây ra. Nó gấp 2,4 lần số vụ tai nạn do tài xế từ 74 tuổi trở xuống gây ra.
Dù muốn dù không, cao niên Nhật Bản vẫn phải tự lái xe
Tại Nhật Bản, công dân từ 75 tuổi trở lên sẽ phải gia hạn giấy phép lái xe. Cứ mỗi 3 năm một lần, họ lại phải “thi lại” để lấy bằng lái.
Thực tế, nhóm độ tuổi lái xe dễ gây nguy hiểm nhất không phải trên 75 tuổi. Nó rơi vào tốp các cô cậu “choai choai” 16-19 tuổi. Lượng tai nạn chết người do nhóm tuổi này gây ra cũng cao nhất, 11,1/100.000 vụ.
Ngoài ra, lượng người cao tuổi tử vong trong lúc đang lái xe cũng không hẳn đều vì tai nạn. Họ có thể qua đời vì các nguyên nhân khác, ví dụ như một số biến chứng sức khỏe đột ngột chẳng hạn.
Dẫu vậy, sự lo ngại vẫn cứ gia tăng.
Để người già tiếp tục lái xe cũng dở, mà dừng lại cũng không hẳn hay.
Người Nhật Bản là dân tộc có ý thức tự trách nhiệm cực cao. Trước thực trạng đáng ngại trên, không ít “ông già, bà lão” đã quyết định thôi cầm lái. “Tôi nên tự mình dừng lại trước khi làm tổn thương ai đó,” – một cao niên rớt nước mắt nói với Tomomi Makino, nhân viên thanh lý xe cũ của Hãng Toyota ở Shimizu, Shizuoka.
Câu chuyện về những tài xế lão niên của Nhật Bản: 70 tuổi vẫn trên từng cây số, cấm cũng dở mà để yên cũng không xong – Ảnh 8. Số tai nạn do người cao tuổi lái xe ở Nhật ngày càng nhiều
Vào năm 2017, hơn 400.000 người cao tuổi của Nhật Bản đã tự bỏ giấy phép lái xe (đạt mức cao nhất kể từ năm 1998). Đổi lại, chính phủ Nhật Bản thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ bằng cách giảm giá taxi, xe buýt cho những công dân đã già.
Có điều, “Từ bỏ giấy phép lái xe cũng không hẳn là một quyết định tốt,” – Hidenori Arai, chủ tịch Trung tâm Lão khoa và Lão hóa Nhật Bản nói.
Ước tính, số người bị mắc bệnh mất trí nhớ do tuổi già ở Nhật Bản là khoảng 5 triệu người. Ngay cả khi họ không lái xe, việc làm bài thi lý thuyết lấy bằng lái định kỳ (3 năm 1 lần) cũng vẫn tốt cho sức khỏe não bộ. Tương tự với việc học lại các kỹ năng lái xe.
Cứ 3 năm một lần, cao niên người Nhật lại phải lo thi lại bằng lái
Thêm vào đó, đa phần người cao tuổi của Nhật Bản đều tập trung tại các vùng nông thôn, miền núi. Hệ thống giao thông công cộng ở đây không được tiện lợi như trong các thành phố. Nếu không tự mình lái xe, chuyện đi lại của các “bô lão” phải tính làm sao?
Đa dạng phương pháp ứng phó tạm thời
Xét về lĩnh vực công nghệ, Nhật Bản là một trong những đất nước tân tiến nhất. Với vấn đề “tai nạn do người già lái xe”, công nghệ Nhật Bản đương nhiên cũng có giải pháp khắc phục. Đó là xe tự động lái. Chúng bao gồm từ xe cá nhân, taxi cho đến xe buýt.
Những năm gần đây, xứ sở anh đào liên tục đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ người cao tuổi. Bắt đầu từ năm 2016, họ đã cho thử nghiệm xe tự lái. Tiếc rằng, phải nhiều năm nữa, hệ thống xe tự lái mới hoàn tất công tác nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sử dụng trong giao thông thực tế. Điều này cũng có nghĩa, người già Nhật Bản vẫn chưa thể buông vô lăng.
Công nghệ xe hơi Nhật gấp rút phát triển xe tự lái vì người già
Để tạm ứng phó, người ta cho lắp đặt phanh tự động. Tháng 10 vừa qua, Toyota còn ra mắt xe điện 2 chỗ siêu nhỏ, giới hạn tốc độ chỉ tối đa 60km/h.
Trước đó, Nhật Bản từng gắn biển nhắc nhở “Người Cao Tuổi” trên những chiếc xe do các lão niên cầm lái. Nhưng cách này gây tổn thương tâm lý, nên họ đã bỏ. Thay vào đó, người ta chuyển sang hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, trị liệu nghề nghiệp cho người già lái xe.
Tuổi tác đi kèm với thoái hóa xương khớp. Các tài xế cao niên Nhật Bản được kiểm tra tình trạng xương khớp thường xuyên. Tùy vào việc chân, tay bên trái hay bên phải linh động hơn, các chuyên gia ô tô sẽ sửa đổi chiếc xe hoặc lắp đặt công nghệ hỗ trợ tương ứng.
Nguồn: Cafebiz