Theo kênh CNN, đây là thông tin từ cuộc thảo luận ngày 23/11 của Ủy ban Cố vấn thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Theo ủy ban trên, trong các cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19, các tình nguyện viên báo cáo rằng họ thường xuyên gặp các triệu chứng như cảm cúm sau khi tiêm vaccine. Theo các thành viên của ủy ban, những thông tin này có thể khiến người dân không thực sẵn lòng tiêm vaccine ngừa COVID-19.
“Là bác sĩ, tôi phải chắc chắn bệnh nhân quay lại tiêm tiếp liều thứ 2. Chúng tôi phải khiến bệnh nhân nhận thức rõ đây không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên. Họ phải biết họ sẽ được tiêm vaccine và chắc chắn là nó không phải một cảm giác dễ chịu”, Tiến sĩ Sandra Fryhofer đại diện cho Hiệp hội Y khoa Mỹ phát biểu tại một cuộc thảo luận ngày 23/11.
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Hollywood, Florida, Mỹ ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ chế của vaccine khi vào cơ thể người là gây ra phản ứng miễn dịch và điều này đôi lúc giống triệu chứng cúm như đau người, hay thậm chí là sốt hoặc đau đầu.
Patricia Stinchfield làm việc tại Bệnh viện và Phòng khám Trẻ em thành phố Minnesota, đại diện cho Hiệp hội Y tá Nhi khoa Quốc gia, cho biết các nhà cung cấp phải sẵn sàng giải thích hiện tượng này cho những người tiêm bất kỳ loại vaccine nào. Bà nói: "Đây là những phản ứng miễn dịch. Người được tiêm có thể đau nhức cánh tay, mệt mỏi hay thậm chí là sốt. Một số người có thể cảm thấy mệt đến mức phải nghỉ làm ở nhà một ngày”.
Trong cuộc họp kéo dài 5 tiếng, Tiến sĩ Sara Oliver của CDC cũng thừa nhận mức độ sẵn sàng của công chúng trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang giảm dần từ mùa xuân.
Tuy nhiên, tỷ lệ đó có thể được cải thiện khi mọi người bắt đầu biết đến sự an toàn và tính hiệu quả của các loại vaccine trong quá trình thử nghiệm.
Tiến sĩ Oliver cho biết CDC đã xem xét các cuộc khảo sát khác nhau về thái độ của người dân và chỉ ra ở bất kỳ nơi nào, cũng có từ 40% đến 80% người được khảo sát trả lời họ sẵn sàng tiêm chủng.
"Nhiều người trưởng thành bày tỏ ý định tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhưng vẫn có những lo ngại được nêu ra xung quanh tác dụng phụ, hiệu quả chưa rõ ràng và tốc độ phát triển cũng như phê duyệt quá nhanh các loại vaccine”, nữ tiến sĩ nhận định.
Cũng trong cuộc họp, các nhà chức trách đề cập đến việc phân phối vaccine và đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine.
CDC, Viện Hàn lâm Khoa học - Kỹ thuật và Y học Quốc gia cùng các cố vấn khác đã đề xuất bốn nhóm đối tượng nên được tiêm chủng trước tiên, bao gồm các nhân viên y tế, những người làm công tác thiết yếu, người lớn tuổi mắc các bệnh lý nguy cơ cao và những người lớn tuổi khác từ 65 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, đó lại là con số khổng lồ. CDC ước tính có 21 triệu nhân viên y tế, 87 triệu nhân viên thiết yếu, 100 triệu người cao tuổi mắc các bệnh lý nguy cơ cao và 53 triệu người khác từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, chính phủ liên bang cho biết chỉ có thể sản xuất 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 12.
Các hãng dược phẩm trên toàn cầu đang nỗ lực chạy đua để đưa ra thị trường một loại vaccine an toàn và hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tại Mỹ, hai nhà sản xuất Pfizer và Moderna đều thông báo hai loại vaccine của họ có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 95% trong các cuộc thử nghiệm.
Nguồn: baotintuc