Ông Stanley Johnson (trái), cha của Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) - Ảnh: AFP
"Nếu tôi hiểu chính xác thì tôi là người Pháp. Mẹ tôi được sinh ở Pháp, bà ngoại và ông cố ngoại tôi là người Pháp, nên với tôi điều này cũng giống như tìm lại những gì vốn có", ông Stanley Johnson chia sẻ với Đài RTL ngày 31-12.
Là một cựu thành viên của Nghị viện châu Âu, ông Johnson "cha" có sợi dây gắn kết đặc biệt với Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên rời EU (Brexit) hồi năm 2016, ông đã bỏ phiếu "ở lại EU".
"Tôi sẽ luôn là một người châu Âu, đó là điều chắc chắn. Người ta không thể nói với người Anh nào đó rằng bạn không phải là người châu Âu. Có mối quan hệ ràng buộc với EU là một điều gì đó rất quan trọng", ông Stanley Johnson nói với Đài RTL bằng tiếng Pháp.
Con trai ông, đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson, theo Hãng tin Reuters, lại là "gương mặt đại diện cho nhóm chủ trương Anh rời khỏi EU", và từng tuyên bố rằng "Anh có thể trở thành một quốc gia hùng cường, tự chủ mà không cần đến một EU quan liêu".
Kể từ khi lên nắm quyền tháng 7-2019, ông Boris Johnson gây lo lắng vì các tuyên bố sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần đạt được thỏa thuận nào với khối này (Brexit "cứng"), điều có thể tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng, làm xáo trộn nhiều vấn đề như quan hệ thương mại, đầu tư và đi lại giữa Anh và EU.
Brexit "cứng" cuối cùng đã không xảy ra sau khi hai bên đạt được Hiệp định Thương mại và hợp tác Anh - EU hôm 24-12, khi chỉ còn 7 ngày nữa là đến thời hạn chót.
Phát biểu sau thỏa thuận này hôm 30-12, ông Boris Johnson đã truyền tải thông điệp mềm mỏng và hòa giải hơn với EU.
"Đây không phải là dấu chấm hết cho việc Anh là một quốc gia châu Âu. Xét trên nhiều khía cạnh, chúng tôi có những tinh túy của nền văn minh châu Âu và sẽ tiếp tục giữ lấy điều đó", nhà lãnh đạo Anh nêu quan điểm.
Hiện hiệp định này vẫn còn chờ Nghị viện châu Âu và Quốc hội Anh phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để tránh các xáo trộn không cần thiết, hai bên sẽ bắt đầu thực hiện một "thỏa thuận lâm thời" dựa trên hiệp định đã đạt được kể từ ngày 1-1-2021.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online