Ngày 6/11, chính phủ Pháp chính thức thông báo các biện pháp bổ sung nhằm siết chặt chính sách đối với người nhập cư vào nước này.

 

Trong suốt thời gian qua, bên cạnh vấn đề về môi trường, vấn đề người di cư đã được dư luận nước Pháp đặc biệt quan tâm. Thượng viện và Quốc hội Pháp đã dành nhiều thời gian thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp để quản lý tốt hơn tình trạng người nhập cư.

Với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ chính sách di trú, nhằm đảm bảo chủ quyền của nước Pháp, chính phủ Pháp sẽ chính thức triển khai 20 biện pháp trong thời gian tới. Nổi bật trong số này là kế hoạch áp đặt hạn mức tiếp nhận người nhập cư và thay đổi các chính sách xã hội hỗ trợ người nhập cư vào nước Pháp.

42 1 Chinh Phu Phap Siet Chat Chinh Sach Di Tru

Chính phủ Pháp siết chặt chính sách di trú. Ảnh: Reuters

Trong thời gian tới, chính phủ Pháp sẽ áp đặt hạn mức tiếp nhận người nhập cư vì động cơ kinh tế. Năm 2018, nước Pháp đã cấp thẻ tạm trú cho tổng cộng khoảng 256.000 người nhập cư, trong đó khoảng 33.000 người đến Pháp vì mục đích kinh tế, chiếm 13%. Kể từ năm 2019, chính phủ Pháp sẽ xem xét cụ thể đối với những người đến Pháp vì mục đích này. Trong đó, vấn đề quốc tịch của người nhập cư không phải là ưu tiên, thay vào đó, tiêu chí ưu tiên để tiếp nhận người di cư vì mục tiêu kinh tế là năng lực và khả năng làm việc.

Bộ Lao động, Việc làm, Đào tạo nghề và Đối thoại xã hội Pháp sẽ chịu trách nhiệm quản lý vấn đề này. Trong những tháng tới, Bộ này sẽ phối hợp các tác nhân liên quan để đánh giá đúng nhu cầu thực tế về nhân lực trong từng ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng của Pháp, để đưa ra con số cụ thể trong tiếp nhận người nhập cư đến Pháp làm việc. Chính phủ Pháp cũng nhấn mạnh, chính sách này không nhằm tạo ra sự cạnh tranh đối với các lao động người Pháp trong tìm kiếm cơ hội việc làm.

Bên cạnh đó, nước Pháp sẽ siết chặt các phúc lợi xã hội đối với người nhập cư đến nước Pháp. Người nhập cư sẽ phải chờ 3 tháng trước khi được tiếp cận các dịch vụ y tế (biện pháp này không áp dụng với người nhập cư ở độ tuổi vị thành niên). Trong trường hợp thẻ cư trú của người nhập cư hết hạn hoặc yêu cầu xin tị nạn bị từ chối, thay vì tiếp tục được hưởng chăm sóc y tế trong vòng 12 tháng tiếp theo như hiện nay, thì người nhập cư chỉ được tiếp tục hưởng chế độ này trong 6 tháng.

Chế độ chăm sóc y tế cũng sẽ bị cắt ngay lập tức khi người di cư nhận lệnh rời lãnh thổ Pháp. Bên cạnh đó, chính phủ Pháp sẽ tăng cường công tác kiểm tra nhằm đấu tranh chống tình trạng người nhập cư gian lận và lạm dụng chính sách hỗ trợ y tế.

Nhằm giảm thiểu nguy cơ về an ninh từ dòng người di cư và nhập cư vào Pháp, chính phủ Pháp cũng dự định sẽ thiết lập mới 3 trung tâm tạm giữ hành chính dành cho người di cư, với mục tiêu sàng lọc kỹ hơn, đưa những đối tượng không đủ tiêu chuẩn ra khỏi biên giới Pháp. Các đơn xin tị nạn sẽ được xử lý nhanh hơn do các cơ quan phụ trách xử lý lĩnh vực này sẽ được tăng cường về nhân lực và tài chính.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố, khi quyết định tiếp nhận, cần phải tiếp nhận tốt, khi quyết định không tiếp nhận, sẽ tạo điều kiện để người di cư trở về thuận lợi nhất. Liên quan tới vấn đề này, các trại tự phát của người di cư tại Paris hiện nay sẽ được sơ tán từ nay đến cuối năm 2019. Hiện tại, theo ước tính của chính phủ Pháp, có khoảng 1.500 đến 3.000 người di cư trong các khu trại tự phát tại phía Bắc thủ đô Paris. Năm 2020, khoảng 16.000 chỗ ở sẽ được bổ sung để tiếp nhận người di cư và người tị nạn./.

Huỳnh Điệp/VOV-Paris

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC