Giám đốc Cơ quan dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) ngày 24-11 tuyên bố nhóm chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden có thể bắt đầu các hoạt động theo một đạo luật năm 1963.

Động thái diễn ra sau khi bang Michigan, với 16 phiếu đại cử tri, xác nhận chiến thắng thuộc về ông Biden ngày 23-11 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 24-11 theo giờ Việt Nam.

Trong lá thư đề ngày 23-11, giám đốc GSA thuộc chính phủ Mỹ - bà Emily Murphy - thông báo dựa trên Đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden được phép tiếp cận các tài nguyên và dịch vụ mô tả trong điều 3 của đạo luật.

Phần lớn lá thư là những lời chia sẻ khó khăn của bà Murphy và người đứng đầu GSA không đưa ra bất kỳ sự thừa nhận nào.

"Người chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ được quyết định bởi cử tri đoàn đã được nhắc tới trong hiến pháp", bà Murphy viết. Bà cho biết việc đưa ra quyết định này là độc lập, không bị một áp lực nào.

Ngay sau khi có tin GSA kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden, Tổng thống Trump viết trên Twitter cho biết chính mình đã khuyên bà Murphy "làm những gì cần làm" vì lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ và ông cũng nói đội ngũ của ông làm như vậy, đồng thời nói rõ là cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục.

"Cô ấy đã bị đe dọa, bị quấy rối đủ thứ. Tôi không muốn thấy những điều đó tiếp tục xảy ra với cô ấy, gia đình của cô ấy hay các nhân viên GSA nữa. Các vụ kiện sẽ tiếp tục, chúng ta sẽ chiến đấu và tôi tin sẽ giành thắng lợi", đương kim tổng thống giãi bày sáng 24-11.

Ngay sau khi lá thư của bà Murphy được công bố, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden tuyên bố sẽ bắt đầu các cuộc gặp với quan chức an ninh liên bang và phụ trách đại dịch COVID-19 của chính quyền Trump trong những ngày tới.

Theo Đài CNN, trì hoãn chuyển giao quyền lực có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Điển hình như những tranh cãi sau cuộc bầu cử năm 2000 đã làm chậm quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền Bill Clinton sang chính quyền George W. Bush.

Hệ quả việc xây dựng đội ngũ an ninh quốc gia cho ông Bush bị trì trệ và là một yếu tố góp phần để xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, theo một báo cáo chính thức của Ủy ban vụ 11-9.

42 1 Chinh Quyen Trump Thong Bao Bat Dau Chuyen Giao Quyen Luc Cho Ong Biden

Ông Trump vẫn không chính thức nhận thua và gọi điện chúc mừng đối thủ - Ảnh: AFP

Tổng thống Trump đang đứng trước nhiều lời kêu gọi nhượng bộ từ nhiều phía. Ngày 23-11, một nhóm hơn 100 học giả và cũng là các các cựu quan chức Đảng Cộng hòa đã cùng ký vào lá thư kêu gọi ông Trump cho phép chuyển giao quyền lực có trật tự.

Những người ký tên trong thư bao gồm cựu bộ trưởng An ninh nội địa Tom Ridge, cựu giám đốc Cục tình báo trung ương Michael Hayden và cựu giám đốc Tình báo quốc gia John D. Negroponte. Bức thư được đăng tải lần đầu tiên bởi báo Washington Post ngày 23-11 (giờ Mỹ).

"Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa, đặc biệt những người trong quốc hội, công khai yêu cầu Tổng thống Trump ngừng các cuộc công kích phi dân chủ của ông ta nhắm vào tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống", nhóm học giả cũng là các cựu quan chức kêu gọi.

Ngoài các chuyên gia an ninh quốc gia, 164 người là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ ngày 23-11 cũng ký vào một thư ngỏ kêu gọi ông Trump nhận thua và kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden.

"Cứ mỗi ngày quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống có trật tự bị trì hoãn, nền dân chủ Mỹ sẽ suy yếu dần trong mắt chính công dân của chúng ta. Vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế cũng sẽ giảm sút", báo The Guardian trích một đoạn trong lá thư.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC