Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đang đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm bằng một cuộc bỏ phiếu của nhóm nghị sĩ nổi dậy trong bối cảnh bất đồng về vấn đề ngân sách viện trợ cho Ukraine.

1 Chu Tich Ha Vien My Co Nguy Co Mat Chuc Vi Van De Vien Tro Ukraine

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (Ảnh: Reuters).

Nghị sĩ Cộng hòa bang Nebraska Don Bacon ngày 31/3 thừa nhận, một phiên bỏ phiếu nhằm phế truất Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nhiều khả năng sẽ diễn ra và ông Johnson hoàn toàn có nguy cơ mất chức.

Gần 6 tháng sau khi nhậm chức, ông Johnson đang phải đối mặt kết cục tương tự người tiền nhiệm Kevin McCarthy, người bị mất chức trong cuộc bỏ phiếu gây sốc do phe nổi dậy trong chính đảng Cộng hòa.

Cuối tháng trước, nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn Marjorie Taylor Greene đã nộp "kiến nghị bãi nhiệm" ông.

Trong suốt nhiều tháng, bà Greene cảnh báo sẽ kiến nghị bỏ phiếu bãi nhiệm ông Johnson nếu ông thúc đẩy Hạ viện thông qua gói hỗ trợ Ukraine. "Ông ấy không nên duyệt thêm viện trợ cho Ukraine", bà Greene nói.

Ông Johnson vốn cương quyết với quan điểm không ủng hộ gói viện trợ bổ sung trị giá hơn 60 tỷ USD nếu chính quyền của Tổng thống Joe Biden không chấp nhận các cải cách chính sách nhằm tăng cường an ninh biên giới.

Hôm 14/3, ông Johnson cho biết, dự luật viện trợ bổ sung cho Ukraine và Israel sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng rẽ trong vài tuần tới. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy phe Cộng hòa ở Hạ viện dường như đã nhượng bộ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine.

Các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cũng cho rằng ông Johnson đã thỏa hiệp với phe Dân chủ khi thông qua ngân sách 1.200 tỷ USD giúp chính phủ thoát nguy cơ đóng cửa từ ngày 23/3.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cảnh báo, đảng này có thể phải trả giá nếu phế truất Chủ tịch Hạ viện. Họ lập luận, đảng Dân chủ sẽ chiếm ưu thế trong năm bầu cử nếu ông Johnson bị mất chức.

Nghị sĩ Bacon chỉ trích ý định của một số nghị sĩ muốn lật đổ ông Johnson. "Họ muốn phá nát Hạ viện, khiến cho Hạ viện tê liệt. Tôi hy vọng Chủ tịch Hạ viện sẽ thắng thế. Ông ấy đang làm điều đúng đắn".

Trong khi đó, đảng Dân chủ phát tín hiệu sẵn sàng cứu ông Johnson nếu ông Johnson góp phần thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine do chính quyền Tổng thống Biden đề xuất.

Mặt khác, giới quan sát cảnh báo, nếu ông Johnson thông qua dự luật hạn hẹp hơn so với đề xuất hoặc bao gồm các hạn chế biên giới mới, ông có thể làm phật lòng cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nếu Hạ viện yêu cầu cắt giảm chi tiêu chính phủ để bù đắp cho gói Ukraine, điều đó cũng sẽ gây ra sự phản đối gay gắt của đảng Dân chủ.

Năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy mất chức sau một cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ tại Hạ viện. Ông bị phế truất không lâu sau khi Hạ viện thông qua dự luật cấp ngân sách cho chính phủ Mỹ hoạt động thêm 45 ngày. Một số nghị sĩ Cộng hòa coi đó là sự phản bội của ông McCarthy vì dự luật được thông qua không có những điều khoản mà họ yêu cầu, trong đó có cắt giảm mạnh chi tiêu.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ loại bỏ nhà lãnh đạo của mình, được thúc đẩy bởi một nhóm tương đối nhỏ các đảng viên Cộng hòa cánh hữu phản đối tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Theo Axios

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC