Cho đến cuối giờ chiều 9/11, Sở Cứu hỏa nông thôn NSW cho biết đã có 2 người chết, 30 người bị thương, 5 người được cho là mất tích và ít nhất 150 ngôi nhà bị phá hủy trong các vụ cháy. Số người thiệt mạng dự kiến sẽ còn tăng lên khi các đám cháy vẫn tiếp tục hoành hành.
Theo Giám đốc Sở Cứu hỏa nông thôn NSW, ông Shane Fitzsomsons, vào lúc cao điểm, Sở đã phát đi cảnh báo về 17 đám cháy riêng biệt, cao hơn nhiều so với con số 10 vụ cháy bình quân của các năm trước.
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Harrington, cách thủ đô Sydney, Úc khoảng 335km về phía Đông Bắc ngày 8/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi các lực lượng ứng phó khẩn cấp của bang đã chuẩn bị đối phó với một mùa cháy rừng dữ dội đến sớm hơn dự tính, các chuyên gia về cháy rừng cho rằng biến đổi khí hậu đã gây ra “tình trạng khá bất thường” trong những ngày qua.
Trent Penman, Phó Giáo sư tại Đại học Melbourne, người chuyên nghiên cứu sự hình thành của các đám cháy rừng, cho rằng các vụ cháy rừng có thể được giải thích một phần bởi mùa gió mùa kéo dài ở Ấn Độ.
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Taree, bang New South Wales, Úc ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Tiến sĩ Penman, các hệ thống toàn cầu đều có mối liên kết với nhau, do đó một khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết ở khu vực khác cách xa tới 10.000 km. Gió mùa Tây Nam ở châu Á thường xảy ra vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 9 hàng năm, sau đó sẽ di chuyển về phía Nam.
Tuy nhiên, những cơn mưa kéo dài kỷ lục trong năm nay ở Ấn Độ cho đến giữa tháng 10, khiến mùa mưa tới chậm hơn so với thường lệ ở khu vực Bắc Úc, cũng như bờ biển phía Đông “xứ sở chuột túi”. Do vậy, những vùng này trở nên nóng, khô và gió, tạo điều kiện “hoàn hảo” cho các đám cháy rừng cực đoan như đã xảy ra.
Ước tính gần 100 trận cháy rừng đang hoành hành tại New South Wales và vùng nông thôn bang Queensland, song chỉ có 5 đám cháy trong số này là vô cùng nguy hiểm. Lực lượng cứu hỏa cảnh báo vẫn còn nhiều khu vực chưa được kiểm soát. Khoảng 1.200 nhân viên cứu hỏa, 70 máy bay đã được điều đến khu vực ven biển phía Đông dài khoảng 1.000 km để khống chế hỏa hoạn.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bày tỏ quan ngại về tình trạng cháy rừng, đồng thời hối thúc người dân đảm bảo an toàn và nghe theo hướng dẫn của lực lượng khẩn cấp.
Cháy rừng thường xảy ra tại Úc và quốc gia nằm ở Nam bán cầu này đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mùa cháy rừng dữ dội trong bối cảnh nhiệt độ cao kỷ lục được dự báo trong những tháng Hè. Hôm 15/10 vừa qua, Cơ quan Khí tượng Úc (BOM) cho biết nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ nắng nóng và cháy rừng nghiêm trọng trong vài tháng tới khi thời tiết chuyển dần sang mùa Hè và hạn hán tiếp tục kéo dài, đặc biệt tại các bang New South Wales và Queensland.
Theo báo cáo “Triển vọng Thời tiết khắc nghiệt” của BOM, năm 2018, Úc đã phải trải qua một mùa Hè nóng nhất trong lịch sử với nền nhiệt độ trung bình trên cả nước luôn cao hơn 1,14 độ C so với mức trung bình trong các năm từ 1961 -1990.
Nắng nóng kéo dài và mưa ít khiến quốc gia lớn nhất Thái Bình Dương này phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua. Tại New South Wales, bang đông dân nhất Úc, lượng mưa luôn thấp hơn mức trung bình 60% kể từ năm 2017.
Theo Bnew
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Chính quyền Trump yêu cầu quan chức không dự kỷ niệm 30/4 ở Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì? 23/04/2025
-
Trump bất ngờ "quay xe" sau tuyên bố áp thuế gây chấn động toàn cầu 06/04/2025
-
Bức ảnh cuối cùng của gia đình thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng du lịch ở New York 11/04/2025
-
Trump đảo chiều chính sách thuế quan: màn “quay xe” gây sốc và hệ lụy nghiêm trọng 10/04/2025