Sau khi nới lỏng lệnh phong toả, chính phủ nhiều nước châu Âu tranh giành nhau để đặt mua bộ xét nghiệm kháng thể Covid-19, hãng tin Reuters cho biết.
Xét nghiệm này có thể tìm ra kháng thể chống lại virus corona trong hệ miễn dịch của bệnh nhân đã hồi phục. Giới chức tại EU hy vọng đây là một chiến lược tiềm năng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát lần thứ 2.
Dù vậy, vẫn chưa có quốc gia nào đưa ra thông tin chi tiết về lộ trình thực hiện phương án trên. Nhiều ý kiến cho rằng việc theo đuổi một chiến lược không rõ ràng có thể lãng phí thời gian và nguồn ngân sách.
Cuộc đua sản xuất
Roche, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Thụy Sĩ, mới phát triển thành công bộ xét nghiệm kháng thể Covid-19. Theo người chuyên trách mảng chẩn đoán Thomas Schinecker, tập đoàn này sẽ nỗ lực gấp đôi để đẩy mạnh sản xuất, đạt mức 100 bộ xét nghiệm/ tháng vào cuối năm nay.
Một nhà nghiên cứu đang thực hiện xét nghiệm kháng thể ở Phòng thí nghiệm Dowell, Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho bộ xét nghiệm kháng thể của Roche hôm 3/5. Tập đoàn này đã nhận về hàng trăm đơn đặt hàng từ các chính phủ dù chưa công bố mức giá chính thức.
Nhiều bộ xét nghiệm kháng thể tương tự cũng được các hãng dược phẩm lớn như Abbott, Becton Dickinson và DiaSorin phát triển. Những đơn vị sản xuất thành công bộ xét nghiệm này cũng đang nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Hôm 14/5, chính phủ Anh tuyên bố sẽ sử dụng sản phẩm của Roche để thực hiện hàng nghìn xét nghiệm kháng thể mỗi tuần. Nước này còn miêu tả phương án xét nghiệm kháng thể là “nước cờ thay đổi cuộc chơi” đầy tiềm năng.
Xét nghiệm kháng thể có thể nhanh chóng phát hiện protein chống lại sự lây nhiễm của virus corona chủng mới. Các protein kháng thể này thường được tìm thấy trong cơ thể bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19.
Để đảm bảo chất lượng và ngăn chặn tình trạng xét nghiệm thiếu chính xác, FDA đang phải thắt chặt các quy định kiểm duyệt trong bối cảnh thế giới nóng lòng muốn đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đưa các bộ dụng cụ ra thị trường.
Theo tập đoàn dược phẩm Roche, xét nghiệm kháng thể của hãng có tỷ lệ đặc hiệu vượt 99,8% và độ nhạy 100%, đồng nghĩa với việc hiếm có kết quả dương tính “giả” và không có kết quả âm tính “giả”. Roche sẽ lấy máu tĩnh mạch để xét nghiệm, làm tăng độ chính xác so với lấy máu ở đầu ngón tay.
Trong khi đó, sản phẩm của Abbott có tỷ lệ đặc hiệu và độ nhạy lần lượt là 99,5% và 100%. Công ty DiaSorin của Italy cũng gây ấn tượng với tỷ lệ đặc hiệu 98,5% và độ nhạy 97,4%. Nhiều đơn vị dược phẩm khác cũng đã sản xuất được các bộ xét nghiệm kháng thể tối ưu.
Trong khi đó, Phần Lan quyết định tự nghiên cứu và chế tạo các bộ xét nghiệm do lo ngại về nguồn cung không đảm bảo. Viện Sức khoẻ và Phúc lợi Phần Lan (THL) chuyển sang hình thức “tự cung tự cấp” sau khi nhà phân phối không đáp ứng được yêu cầu 30.000 bộ xét nghiệm kháng thể trong năm nay.
Nhà nghiên cứu hàng đầu tại THL, ông Arto Palmu tự đánh giá các bộ xét nghiệm của nước này chế tạo “khá tốt” so với những lựa chọn khác trên thị trường.
Cuộc đua đặt hàng
Bộ Y tế Hà Lan hôm 5/5 tuyên bố đã đặt hàng một triệu bộ xét nghiệm kháng thể từ công ty dược phẩm Wantai của Trung Quốc trong khi Italy đặt niềm tin vào Abbott để nhận về 150.000 bộ xét nghiệm.
Đan Mạch, một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Âu sớm mở cửa trường học, cho hay nước này đang thực hiện nghiên cứu kháng thể trên 2.600 người. Đan Mạch cũng lựa chọn các bộ xét nghiệm từ nhà sản xuất Wantai.
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng thể Covid-19. Ảnh: AP.
Trong khi đó, Đức thông báo đã đặt hàng 4 triệu bộ xét nghiệm của tập đoàn dược phẩm Roche chỉ trong tháng 5 và tháng 6.
Roche không đưa ra số liệu đặt hàng cụ thể từ các quốc gia, song khẳng định mục tiêu phân phối vật tư y tế “công bằng” trong cuộc chiến chống dịch. Roche cho biết đơn vị này không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến chính trị như Sanofi.
Trước đó, tập đoàn dược phẩm của Pháp, Sanofi, từng tuyên bố sẽ ưu tiên chính phủ Mỹ đặt hàng vắcxin vì Mỹ bỏ vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu. Bình luận này của Sanofi khiến Pháp vô cùng phẫn nộ, đồng thời yêu cầu “quyền tiếp cận bình đẳng” cho mọi quốc gia.
Chiến lược không rõ ràng
Phát ngôn viên của chính phủ Hungary hôm 14/5 cho biết nước này chưa nhận được thông tin về kế hoạch xét nghiệm kháng thể trên diện rộng.
Trong khi đó, người đứng đầu phòng thí nghiệm virus quốc gia Ireland, ông Cillian De Gascun, thông báo Ireland đang đánh giá các xét nghiệm kháng thể trước khi tiến hành thử nghiệm vào tháng 6 tới.
Một sĩ quan cảnh sát thực hiện xét nghiệm kháng thể ở Miami, Florida (Mỹ). Ảnh: AP.
Song việc trì hoãn xét nghiệm kháng thể trên diện rộng không làm chậm tiến độ chống dịch vì nhiều quốc gia vẫn chưa biết phải làm gì với kết quả thu được từ phương pháp này.
Một vài quốc gia như Chile từng nảy ra ý tưởng về “hộ chiếu miễn dịch”. Cụ thể, Chile dự định cho phép bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 được tự do di chuyển vì họ không thể tái nhiễm bệnh.
Bác bỏ luận điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố “không có bằng chứng” nào cho thấy người đã hồi phục không thể tái nhiễm bệnh.
Theo những người ủng hộ, biện pháp này có thể giúp các nhà chức trách nắm được mức độ lây lan của dịch Covid-19, đồng thời đánh giá tình trạng "miễn dịch cộng đồng", theo đó phần lớn cư dân phát triển kháng thể chống virus.
Theo: ZING.VN