Trong số những người được tiêm khẩn cấp vắc xin có nhân viên của Sinopharm làm việc tại các văn phòng ngoài Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
"Không ai trong số này nhiễm bệnh", Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) thông báo trên WeChat ngày 18-11. Bài viết kế đó dẫn lời ông Liu Jingzhen, chủ tịch Sinopharm, cho biết khoảng 1 triệu người đã được tiêm ngừa.
Theo Hãng tin Reuters, con số ấn tượng 1 triệu có được là do Trung Quốc triển khai chương trình sử dụng khẩn cấp vắc xin từ tháng 7, ngay cả khi việc thử nghiệm lâm sàng vẫn chưa kết thúc.
Hiện Trung Quốc có 3 loại vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp, gồm 2 loại của Sinopharm và loại còn lại do một hãng dược Sinovac phát triển. Các loại vắc xin của Sinopharm hiện vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở nước ngoài.
Vắc xin của Sinopharm được phát triển dựa trên công nghệ dùng virus bất hoạt không thể tái tạo trong cơ thể người và phải tiêm 2 liều. Hiện chưa rõ con số 1 triệu người mà Sinopharm thông tin là những người được tiêm loại nào trong hai loại vắc xin của tập đoàn này.
Phía Sinopharm cũng cho biết thêm khoảng 60.000 người đã tham gia thử nghiệm vắc xin ở nước ngoài, 40.000 người trong số này được lấy mẫu máu 14 ngày sau khi được tiêm liều thứ hai.
Các chuyên gia tỏ ra thận trọng trước những tuyên bố của Sinopharm, trong khi tập đoàn này từ chối yêu cầu bình luận của Reuters. Không có con số cụ thể từ Sinovac cũng như chính quyền Trung Quốc về việc có bao nhiêu người đã được tiêm vắc xin khẩn cấp.
"Muốn xác định mức độ hiệu quả của vắc xin, không nên chỉ lấy số liệu từ chương trình sử dụng vắc xin khẩn cấp. Cần phải so sánh với nhóm đối chứng được tiêm giả dược trong quá trình thử nghiệm lâm sàng", hãng tin của Anh cảnh báo.
Hôm 17-11, Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trích lời chuyên gia Chung Nam Sơn khẳng định các loại vắc xin của Trung Quốc cho hiệu quả tới 90%, nhưng lại không nói rõ vắc xin thuộc hãng nào. Tuyên bố được đưa ra gần một tuần sau khi hai hãng dược Moderna và Pfizer của Mỹ khẳng định hai loại vắc xin do các hãng này phát triển cho hiệu quả xấp xỉ 95%.
Vắc xin của Moderna và Pfizer sử dụng công nghệ mRNA phức tạp hơn, và lần đầu tiên được sử dụng trong ngành sản xuất vắc xin thế giới.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online