Thái Lan ngày 14-4 ghi nhận thêm 1.335 ca nhiễm và đây là mức tăng hằng ngày lớn nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở nước này. Số ca nhiễm tăng vọt ngay trong dịp Tết Songkran, diễn ra từ ngày 13 tới 15-4.

Lần đầu tiên số ca bệnh COVID-19 trong ngày ở Thái Lan vượt cột mốc 1.000. Trang The Thaiger ngày 14-4 chạy dòng tít "Mùa lễ hội Songkran lặng lẽ tới kỳ lạ".

Từ một nửa tới không còn gì

Đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 35.910 ca nhiễm và 97 ca tử vong do COVID-19. Trong số 1.335 ca nhiễm mới có 351 ca ở thủ đô Bangkok - tâm điểm của đợt bùng phát thứ ba ở Thái Lan, đứng thứ hai và ba là tỉnh Chiang Mai (319 ca) và tỉnh Prachuap Khiri Khan (161 ca).

Đợt bùng dịch mới nhất làm dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng căng thẳng của hệ thống y tế Thái Lan. Theo quy định của nước này, tất cả ca dương tính phải nhập viện và hiện có 7.491 người đang được chữa trị, theo Hãng tin Reuters.

Nhiều hình ảnh được truyền thông Thái Lan và quốc tế chụp ngày 13 và 14-4 ở Thái Lan cho thấy cảnh dòng người xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, những con đường vắng lặng... sau khi nhiều hoạt động đón tết truyền thống bị hủy bỏ.

Vào những ngày này của các năm trước đại dịch COVID-19, phố Khaosan (phố Tây) ở thủ đô Bangkok thường đông nghẹt người đổ về để "đại chiến" súng nước mừng Tết Songkran. Tuy nhiên, năm nay chỉ có ít người đi bộ lẻ loi và những con mèo nằm ngủ trên đường vắng người này, theo mô tả của Tân Hoa xã.

Ông Ponsak Yenwattankun (50 tuổi), quản lý một nhà hàng trên đường Khaosan, ăn Tết Songkran cùng các nhân viên còn lại của mình. Mở nhà hàng này nhiều năm qua, ông thường chứng kiến khách đông đúc.

"Sau khi làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên xuất hiện năm ngoái, thu nhập của chúng tôi bị giảm một nửa. Còn giờ chúng tôi không có khách hàng và không có thu nhập. Chúng tôi phải đóng cửa nhà hàng" - ông Ponsak chia sẻ.

Đợt bùng phát dịch mới nhất đã buộc chính phủ tạm thời đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí ở thủ đô Bangkok và 40 tỉnh thành khác. Điều này có nguy cơ phá hỏng các kế hoạch đón du khách nước ngoài trở lại và kích thích du lịch nội địa để phục hồi ngành du lịch ở xứ sở chùa vàng.

42 1 Covid 19 Tang O Thai Lan Canh Bao Len Toi 10000   20000 Ca Mot Ngay

Cảnh báo 10.000 - 20.000 ca/ngày

"Giai đoạn sau Tết Songkran là khoảng thời gian có tính quyết định để kiểm soát dịch. Nếu không, chúng ta có thể chứng kiến từ 10.000 - 20.000 ca nhiễm mỗi ngày" - ông Opas Karnkawinpong, tổng giám đốc Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của Thái Lan, cảnh báo.

Theo báo Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu quan chức tại tất cả cơ quan nhà nước làm việc ở nhà cho đến cuối tháng này và khuyên khu vực tư nhân làm theo để ngăn dịch lây lan.

Bộ Nội vụ Thái Lan cho biết chính quyền tại 43 tỉnh thành nước này đã áp dụng các biện pháp hạn chế với du khách. Tuy nhiên, Hãng tin AP lưu ý khi Thủ tướng Prayut công bố các biện pháp chống dịch tuần trước, ông đã không công bố bất kỳ lệnh cấm nào về đi lại liên tỉnh.

Ông Opas nói rằng việc hạn chế đi lại với người dân sẽ giúp ích và mỗi tỉnh có thể giữ vai trò quan trọng. "Mỗi ủy ban phụ trách bệnh truyền nhiễm của tỉnh là tiền tuyến giúp giảm thiểu sự đi lại của người dân" - ông bình luận.

Trong bối cảnh đó, Thái Lan đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 chưa tới 0,4% dân số, đi sau nhiều nước trong khu vực như Malaysia (1,5% dân số) và Singapore (14,6%), theo ước tính của Reuters.

Đến nay Thái Lan đã tiếp nhận 2 triệu liều vắcxin từ Hãng Sinovac của Trung Quốc và 117.300 liều từ Hãng AstraZeneca của phương Tây. Thái Lan dự kiến nhận thêm 1 triệu liều vắcxin từ Hãng Sinovac, trong đó 600.000 liều sẽ tiêm cho tất cả nhân viên y tế tuyến đầu trong tháng này.

Tết Khmer vắng lặng ở Campuchia

42 2 Covid 19 Tang O Thai Lan Canh Bao Len Toi 10000   20000 Ca Mot Ngay

Người dân Campuchia đi chợ mua sắm cho tết cổ truyền - Ảnh: Phnom Penh Post

Ngày 14-4, Campuchia tiếp tục ghi nhận ca nhiễm ở mức 3 con số - 178 ca, nâng số ca nhiễm lên 4.874 và thêm 2 ca tử vong. Báo Khmer Times mô tả ngày đầu tiên của Tết cổ truyền Chol Chnam Thmey (từ 14 tới 16-4) ở Campuchia là "ngày ảm đạm".

Trong thông điệp mừng tết cổ truyền, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia kêu gọi người dân ăn tết tại nhà. Campuchia đã áp dụng lệnh cấm đi lại liên tỉnh trong kỳ nghỉ này.

Trái với không khí tết Khmer vắng lặng ở Campuchia, đồng bào Khmer Nam Bộ ở Việt Nam đón tết ít âu lo hơn nhưng không tổ chức các sự kiện lớn như mọi năm như đua ghe ngo.

Theo truyền thuyết, bà con Khmer tin rằng Chol Chnam Thmey là dịp để một vị thần (Tevoda) từ trên trời được phái xuống chăm lo đời sống của người dân. Tết diễn ra trong 3 ngày. Mùng 1 lễ chùa, người Khmer ăn mặc đẹp, đội những mâm cỗ lên dâng lễ chùa. Mùng 2 làm lễ dâng cơm, đắp núi cát để cầu mưa, cầu phúc lành. Mùng 3 tắm Phật, gột rửa những điều không may trong năm cũ để bước sang năm mới với điều tốt lành.

T.TRÌNH - B.AN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC