Ấn Độ đã có thêm hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 mới kể từ cuối tháng 3. Ở Philippines, số ca mắc Covid-19 tăng đột biến vào giữa tháng 3 khiến 24 triệu dân ở thủ đô Manila và các tỉnh xung quanh bị phong tỏa cho đến hôm 11-4.
Lệnh cách ly tại nhà cũng được áp đặt đối với 8 triệu cư dân thủ đô Bogota của Colombia. Tại Argentina, lệnh giới nghiêm bắt đầu từ hôm 9-4, kéo dài từ nửa đêm đến 6 giờ sáng mỗi ngày cho đến ngày 30-4. Argentina và Colombia đã ghi nhận khoảng 2,5 triệu trường hợp mắc Covid-19.
Một phụ nữ ở Kenya tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca hôm 8-4 Ảnh: AP
Ngược lại, một số quốc gia chuẩn bị mở cửa trở lại. Ý dự kiến chấm dứt phong tỏa đối với tâm dịch Lombardy và một số khu vực khác vào tuần tới. Slovenia tuyên bố sẽ giảm bớt các hạn chế về Covid-19 và ngừng lệnh giới nghiêm kéo dài 6 tháng từ ngày 12-4.
Dù vậy, kế hoạch triển khai vắc-xin Covid-19 của châu Âu vẫn gặp nhiều trở ngại sau khi Liên minh châu Âu hôm 9-4 cho biết đang xem xét tác dụng phụ của vắc-xin John-son & Johnson (J&J) và một số nước hạn chế sử dụng vắc-xin của AstraZeneca.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu thông báo 4 trường hợp nghiêm trọng về đông máu bất thường - bao gồm 1 người tử vong - liên quan đến vắc-xin J&J, vốn sử dụng công nghệ tương tự AstraZeneca. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ nói rằng họ không tìm thấy mối liên hệ giữa vắc-xin Covid-19 và tình trạng đông máu nhưng ghi nhận một số trường hợp ở nước này bị đông máu và giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin.
Theo thống kê của AP, có tới 60 nước, bao gồm một số nước nghèo nhất thế giới, có thể bị đình trệ tiêm phòng vắc-xin Covid-19 trong khi đại dịch đã giết chết ít nhất 2,9 triệu người trên toàn cầu. Trong 2 tuần qua, dữ liệu do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy tổng cộng chưa đến 2 triệu liều vắc-xin trong chương trình COVAX được thông quan để vận chuyển đến 92 quốc gia đang phát triển.
Phạm Nghĩa
Nguồn: nld.com.vn