Cuộc luận tội Tổng thống Mỹ thêm nóng với sự xuất hiện của bà Yovanovitch. Chủ tịch ủy ban tình báo hạ viện coi bình luận của ông Trump là nguy hiểm.

Phiên điều trần luận tội công khai thứ 2 nhằm vào Tổng thống Donald Trump hôm 15/11 đã trở nên nóng hơn với sự xuất hiện của nhà cựu ngoại giao hàng đầu Mỹ tại Ukraine - Marie Yovanovitch.

42 1 Dai Chien My O Phien Dieu Tran Luan Toi Thu 2 Nham Vao Ong Trump

Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Quartz.

Cuộc điều trần chủ yếu xoáy vào vấn đề liệu bà Yovanovitch có phải đã bị gạt ra khỏi vị trí đại sứ ở Ukraine vì cản trở các toan tính chính trị của ông Donald Trump hay không.

Trong phiên điều trần luận tội công khai thứ hai diễn ra hôm qua, bà Yovanovitch đã chỉ trích Bộ Ngoại giao Mỹ “thất bại” trong việc bảo vệ các quan chức ngoại giao ở nước ngoài.

Từng ra điều trần riêng trước các nhà điều tra Hạ viện Mỹ hồi tháng trước, bà Yovanovitch đã mô tả một chiến dịch bôi nhọ được chỉ đạo bởi luật sư riêng của Tổng thống Mỹ là Rudi Juliani, các quan chức Ukraine tham nhũng và các nhân vật truyền thông gây tranh cãi, những người có vai trò trong việc đẩy bà rời khỏi vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraine hồi tháng 5 vừa qua.

Theo bà Yovanovitch, việc loại bỏ bà là một tiền lệ “sai lầm nguy hiểm”: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là thấy người Mỹ sẵn sàng hợp tác với những quan chức Ukraine tham nhũng. Họ dường như đã thành công trong việc loại bỏ tôi ra khỏi vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Phải chăng hệ thống của chúng ta đã thất bại theo cách như thế này?”.

Cùng thời điểm diễn ra phiên điều trần của bà Yovanovitch, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích vị cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Qua mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi sự kiện được tổ chức tại Hạ viện là “nỗi hổ thẹn”.

Khi được hỏi những dòng tweet với nội dung như vậy có ảnh hưởng đến nhân chứng và các giới chức Mỹ đang làm việc hay không, bà Yovanovitch xem đó là những lời đầy hàm ý đe dọa.

Tổng thống Donald Trump cũng ngay lập tức đáp trả khi khẳng định, những lập luận của ông trên Twitter không đáng sợ chút nào và ông có quyền nêu ý kiến:

“Cũng như những người khác tôi có quyền tự do ngôn luận và tôi muốn nói đó là một quá trình chính trị. Đảng Cộng hòa đã bị đối xử rất tệ. Và tôi đã theo dõi một chút về phiên điều trần ngày hôm nay và tôi nghĩ đó là nỗi hổ thẹn.”

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff lại không nghĩ như thế.

Ông cho rằng các dòng tweet của Tổng thống có thể được xếp vào loại đe dọa nhân chứng, điều này có thể sẽ gây khó cho những thành viên đảng Cộng hòa đang tìm cách bảo vệ ông chủ Nhà Trắng.

Trước đó, cũng trong ngày 15/11, ngay khi phiên điều trần bắt đầu, Nhà Trắng đã gần như cùng lúc công bố một bản tốc ký cuộc trò chuyện qua điện thoại đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 21/4 vừa qua.

Theo tài liệu được công bố, toàn bộ cuộc trò chuyện kéo dài 16 phút giữa hai nhà lãnh đạo thực tế là một cuộc trao đổi rất lịch sự, không có vấn đề thực sự quan trọng được thảo luận, cũng như không có trao đổi chính trị.

Một số ý kiến chỉ trích cho rằng, động thái của Chính phủ là nhằm đánh lạc hướng dư luận và cho rằng đây không phải là “bản ghi nguyên văn”. Cuộc điều tra do phe Dân chủ khởi xướng chính thức bắt đầu từ ngày 24/9 vừa qua.

Dù khả năng có thể dẫn tới việc phế truất Tổng thống là rất khó xảy ra khi đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện, song những cuộc luận tội này được dự báo sẽ có tác động không nhỏ tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm sau./.

Thu Hoài

Nguồn: vov.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC