Ảnh minh họa: Reuters
Tính đến nay, thế giới đã có hơn 53,7 triệu người mắc Covid-19, hơn 1,3 triệu người tử vong. 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 183.000 ca mắc mới – kỷ lục về số ca mắc trong ngày cao nhất thế giới. Dịch bệnh đang lây lan một cách “đáng sợ” tại Mỹ trong và sau kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua và dự kiến chưa thể dừng lại, do người Mỹ đang lên những kế hoạch tuần hành ủng hộ cho 2 ứng cử viên Tổng thống.
Hôm qua, đương kim Tổng thống Donald Trump đã trấn an người dân khi cho rằng, vaccine Covid-19 của công ty Pfizer sẽ sớm được cấp phép và đến được với người dân Mỹ.
“Hàng triệu liều sẽ sớm được ra lò. Tất cả đều đã sẵn sàng, chờ đợi sự phê duyệt cuối cùng. Ngay sau tháng 4, vaccine sẽ được cung cấp cho toàn bộ người dân, ngoại trừ những nơi như bang New York vì lý do chính trị. Thống đốc của họ đã từ chối. Tôi rất đau lòng vì điều này, bởi đây là một loại vaccine được phát triển tại 1 công ty tốt nhất, từ phòng thí nghiệm tốt nhất thế giới, và có hiệu quả lên tới hơn 90% và hơn thế nữa”.
Ông Trump hi vọng đất nước sẽ không bị phong tỏa 1 lần nữa bất chấp tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay. Trong khi đó, 2 cố vấn y tế của ông Biden – người đang tiến gần tới cánh cửa Nhà Trắng, cũng không ủng hộ việc phong tỏa đất nước khi cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dân và nền kinh tế.
Còn tại Nga, Bộ trưởng Y tế nước này Mikhail Murashko hôm qua thừa nhận, tình hình đại dịch Covid-19 ở nước này vẫn rất căng thẳng. Hiện 75% bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị ngoại trú, 25% nhập viện và điều trị trong bệnh viện. Bộ trưởng Y tế Nga nhấn mạnh: “Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn”, song chính phủ Nga đang làm hết sức, trong đó cũng đã cấp kinh phí cho cả việc điều trị ngoại trú.
Cũng trong ngày hôm qua, Hà Lan cùng với Thụy Điển và Romania đã kêu gọi Liên minh châu Âu quản lý khủng hoảng dịch bệnh tốt hơn; kêu gọi tăng cường phối hợp và liên lạc giữa các quốc gia thành viên trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2.
Động thái này diễn ra sau khi đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19 gây ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia thành viên về vật tư y tế thiết yếu và lệnh cấm xuất khẩu thuốc, khiến xuất hiện những lời chỉ trích về sự thiếu đoàn kết nội khối trong khủng hoảng.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, việc phát triển vaccine đang nóng hơn bao giờ hết. Hôm qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi những bước tiến nhanh chóng trong công tác nghiên cứu và điều chế vaccine ngừa Covid-19; đồng thời nhấn mạnh rằng mọi quốc gia phải được hưởng lợi ích từ vaccine phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
“Tầm quan trọng của vaccine trong kiểm soát đại dịch là điều không thể nghi ngờ. Chưa bao giờ trong lịch sử, việc nghiên cứu vaccine lại tiến triển nhanh như vậy. Chúng ta phải hành động khẩn cấp và phải đối mới để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ thành tựu khoa học này.
Tuy nhiên, chặng đượng phía trước vẫn còn dài. Thế giới không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ mà bỏ quên nhiều công cụ quan trọng khác”.
Người đứng đầu WHO cũng đã bày tỏ lạc quan trước thông tin vaccine phòng Covid-19 được hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90%.
Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã ký hợp đồng mua loại vaccine Covid-19 này ngay khi nó được cấp phép và sản xuất./.
Nguồn: Đình Nam/VOV1