Một ngày tháng 12-2020, hàng trăm chiếc xe xếp hàng từ trước bình minh chờ nhận thực phẩm cứu trợ hằng tuần của tổ chức Forgotten Harvest ở khu trung tâm Detroit, bang Michigan, Mỹ. Nhu cầu nhận thực phẩm đã tăng lên 50% ở đây năm nay.

42 1 Dai Dich Gay Kho Nguoi My Lai Lam Tu Thien Giup Nhau Nhieu Hon

Các tình nguyện viên của Ngân hàng thực phẩm Forgotten Harvest phân loại và phân chia thực phẩm trước một điểm phát ở bang Michigan, ngày 21-12 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, các khoản đóng góp bằng tiền cho ngân hàng thực phẩm ở Mỹ đang tăng nhanh so với năm ngoái, giúp các tổ chức từ thiện có kinh phí thuê nhà kho lớn hơn và các điểm phân phối thực phẩm di động mới, an toàn trong đại dịch.

Ông Christopher Ivey - giám đốc tiếp thị của Forgotten Harvest, một trong những ngân hàng thực phẩm lớn nhất ở Michigan - cho biết: "Một trong những điều tốt đẹp xảy ra trong đại dịch là nó khiến mọi người quan tâm đến hàng xóm láng giềng của mình hơn".

Khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã mở rộng hố sâu ngăn cách giữa "những người có dư" và "những người thiếu thốn" ở Mỹ theo những cách mới. Những người có thể làm việc tại nhà, thường là những công việc có thu nhập cao hơn, thấy thoải mái, trong khi hơn 20 triệu người Mỹ khác phải sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp.

Số người đói, nghèo đang tăng lên. Trước hoàn cảnh này, nhiều người đã tăng cường quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm địa phương, các chiến dịch huy động tiền đóng góp từ cộng đồng và hỗ trợ khác cho những người bị ảnh hưởng về tài chính.

42 2 Dai Dich Gay Kho Nguoi My Lai Lam Tu Thien Giup Nhau Nhieu Hon

Cảnh xếp hàng nhận thực phẩm cứu trợ ở Manhattan, New York, ngày 11-12 - Ảnh: REUTERS

Bên cạnh những nhà hảo tâm truyền thống, như bà Mackenzie Scott - vợ cũ của Jeff Bezos, người sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon, đồng thời là cổ đông lớn của hãng này, đã đóng góp đến 4 tỉ USD cho từ thiện, rất nhiều người Mỹ bình thường đã đóng góp những khoản tiền 10, 20 USD. Sức mạnh của số đông vì thế đủ góp gió thành bão.

Theo Reuters, nhiều tổ chức phi lợi nhuận nhỏ đã không thể tổ chức được các buổi tiệc vận động tài trợ trong năm nay do đại dịch. Tuy nhiên, tin vui là số tiền mà các tổ chức từ thiện vừa và nhỏ nhận được lại tăng lên đến 7,6% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Hiệp hội các chuyên gia gây quỹ khảo sát số liệu của gần 2.500 tổ chức từ thiện và nhận thấy số nhà hảo tâm tăng lên 11,7% trong năm 2020.

Dữ liệu ban đầu cho thấy xu hướng đóng góp dường như sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 12-2020, thời điểm mà những khoản đóng góp từ thiện càng dồi dào hơn Mỹ.

Các tổ chức từ thiện đã nhận được số tiền tổng cộng là 2,47 tỉ USD riêng trong ngày 1-12, ngày thứ ba sau lễ Tạ ơn và còn được gọi là Ngày thứ ba của sự cho đi (Giving Tuesday). Con số này tăng 25% so với năm 2019 và những khoản đóng góp nhỏ đã tạo nên con số khổng lồ này.

Woodrow Rosenbaum, giám đốc phụ trách dữ liệu của tổ chức GivingTuesday, cho biết: "Mọi người đang đóng góp nhiều chưa từng thấy. Những gì chúng ta thấy hiện nay là kết quả của một hành động tập thể. Người dân Mỹ, ở các mức thu nhập khác nhau, đều đã tăng cường đóng góp từ thiện". 

Theo người phát ngôn của trang web gây quỹ GoFundMe, khoảng 70% các khoản đóng góp trên trang này là các khoản tiền dưới 50 USD/năm, tăng 40% so với năm 2019.

Trong năm 2020, Quỹ Lương thực của Mỹ (America’s Food Fund) huy động được hơn 44 triệu USD trên GoFundMe, chiến dịch huy động lớn nhất từ ​​trước đến nay trên trang web này.

Các chương trình có từ lâu như chiến dịch Ông già Noel của Bưu điện Mỹ, kết nối các nhà tài trợ với các gia đình khó khăn gửi thư đến cho ông già Noel ở Bắc Cực, cũng nhận được hỗ trợ chưa từng có. Đây thực sự là tin vui ấm lòng giữa những u ám của đại dịch. 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC