Ngày 15/5 vừa qua, gã khổng lồ bán lẻ đời JCPenny của Mỹ đã chính thức đệ đơn xin phá sản. Đại dịch Covid-19 chính là đòn giáng cuối cùng vào chuỗi bán lẻ 118 năm tuổi vốn đã vật lộn trong một thập kỷ qua với những quyết định kinh doanh tồi tệ, sự bất ổn trong ban lãnh đạo cùng sai lầm trong việc năm bắt xu hướng thị trường. Một tờ báo ví von rằng Covid-19 là chiếc đinh cuối cùng đóng vào “cỗ quan tài” của JCPenny.
JCPenny cho biết họ có thỏa thuận với hầu hết các bên cho vay về kế hoạch quay vòng cho phép công ty này hoạt động lành mạnh hơn về mặt tài chính, bao gồm việc đóng cửa nhiều chi nhánh (chưa được tiết lộ số lượng) trong số 846 cửa hàng hiện có. Ngoài ra, công ty còn dự định vay thêm 450 triệu USD từ những người cho vay trên để chi trả các hoạt động trong quá trình tái cấu trúc.
JCPenny đổ lỗi lớn cho Covid-19 trong quyết định nộp đơn phá sản của mình. CEO Jill Soltau nói: “Trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể khi xây dựng lại công ty theo chiến lược đổi mới và những nỗ lực đó bắt đầu được đền đáp.
JCPenny là nhà bán lẻ thứ tư của Mỹ sụp đổ chỉ trong tháng này, trước đó, chuỗi bán lẻ quần áo J.Crew, chuỗi siêu thị bách hóa Neiman Marcus và hệ thống Stage Stores đã đệ đơn phá sản.
Lịch sử của JCPenny bắt đầu từ một cửa hàng bán lẻ nhỏ thành lập năm 1902 tại Kemmerer, Wyoming. Sau đó, công ty nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, bên cạnh những đối thủ sừng sỏ như Sears và Macy’s. Năm 1973 là đỉnh cao của JCPenny khi họ có 2.000 chi nhánh trên toàn quốc. Ngày nay, công ty có khoảng 85.000 nhân viên.
Ngoài khó khăn đã trải qua trong một thập kỷ qua, JCPenny còn phải đối mặt với sự suy giảm doanh thu khi người Mỹ đang mua sắm trực tuyến nhiều hơn là đến cửa hàng vật lý, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Năm sinh lời gần nhất của chuỗi này là 2010. Kể từ đó, khoảng lỗ ròng của công ty đã lên tới 4,5 tỷ USD. Từ đầu năm 2011, JCPenney phải đóng cửa hơn 20% cửa hàng và sa thải hơn 40% nhân viên để cắt giảm chi phí.
Theo số liệu thống kê của Mỹ, đại dịch đã đẩy hàng loạt công ty vào cảnh phá sản. Doanh số tại các cửa hàng bách hóa của toàn ngành giảm 47% trong tháng 4 trong khi doanh số của các cửa hàng bán quần áo giảm tới 89%.
Giống nhiều nhà bán lẻ khác, ngày 18/3, JCPenny tuyên bố sẽ đóng cửa chi nhánh và tạm cho nhân viên nghỉ việc vì cuộc khủng hoảng Covid-19. Gần đây, họ mới chỉ mở lại 41 địa điểm cho người dân tới mua sắm.
Kalinda Ukanwa, trợ lý giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Marshall của Đại học Nam California cho biết suy thoái do đại dịch đang thúc đẩy sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người Mỹ, khiến họ chuyển dần sang mua hàng trực tuyến.
Hồ sơ phá sản không nhất thiết có nghĩa là JC Penney sẽ ngừng hoạt động. Nhiều công ty sử dụng quy trình này để xóa các khoản nợ mà họ không thể chi trả trong khi đóng cửa những địa điểm không đem lại lợi nhuận. J.Crew và Neiman đều có ý định tiếp tục kinh doanh nhưng Stage Stores cho biết họ có kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn gần 800 cửa hàng bách hóa nhỏ nếu không tìm được người mua trong quá trình phá sản.
Trên thực tế, không ít nhà bán lẻ nộp đơn phá sản vẫn có ý định kinh doanh nhưng lại không thể làm như vậy do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS nhận định việc đóng các cửa hàng bán lẻ sẽ tăng tốc trong giai đoạn hậu Covid-19 và khoảng cách giữa những nhà bán lẻ hoạt động tốt với những chuỗi đang phải vật lộn trong đại dịch sẽ ngày càng mở rộng.
Theo CNN