Việc đại sứ Myanmar tại Anh, ông Kyaw Zwar Minn bị cấp dưới nhốt bên ngoài khiến nhiều người thắc mắc rằng chính quyền sở tại có can thiệp được không, bởi sứ quán nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ bất khả xâm phạm.

42 1 Dai Su Myanmar Bi Duoi Khoi Su Quan O London Anh Can Thiep Duoc Khong

Ông Kyaw Zwar Minn đứng bên ngoài Đại sứ quán Myanmar tại London ngày 8-4 - Ảnh: REUTERS

Các nhà ngoại giao trung thành với chính quyền quân sự Myanmar đã giành quyền kiểm soát đại sứ quán hôm 7-4. Đại sứ Kyaw Zwar Minn, người lên tiếng phản đối chính quyền quân sự, đã bị cấp dưới nhốt bên ngoài đại sứ quán.

Không thể vào trong, ông Kyaw Zwar Minn phải qua đêm trong ôtô đậu ngay bên ngoài đại sứ quán. Trong một tuyên bố sau đó, ông kêu gọi Chính phủ Anh "không hỗ trợ những người đang làm việc cho quân đội, và gửi trả những người này trở lại Myanmar".

"Chúng tôi đặc biệt kêu gọi Chính phủ Anh từ chối làm việc với ông Chit Win mà hội đồng quân sự chỉ định, hoặc bất kỳ đại sứ nào khác mà họ có thể chỉ định trong tương lai", ông Kyaw Zwar Minn kêu gọi.

Trong một công văn gửi Bộ Ngoại giao Anh ngày 7-4, Đại sứ quán Myanmar cho biết ông Kyaw Zwar Minn không còn là đại sứ Myanmar tại Anh. Phó đại sứ Chit Win sẽ trở thành người đứng đầu đại sứ quán, nhưng giữ hàm ngoại giao thấp hơn đại sứ.

Các nguồn tin của truyền thông Anh cho biết chính quyền Myanmar đã đưa ra thông báo chính thức chấm dứt tư cách đại sứ của ông Kyaw Zwar Minn. Thông báo này phù hợp với các nguyên tắc ngoại giao, do đó Chính phủ Anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận người thay thế.

Chính quyền quân sự Myanmar đã triệu hồi ông Kyaw Zwar Minn tháng trước, sau khi ông kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint - những lãnh đạo dân sự bị quân đội bắt giữ. Giới chức quân sự Myanmar hiện chưa lên tiếng trước vụ việc ở London.

Vấn đề rắc rối nằm ở chỗ nếu Chính phủ Anh chấp nhận ông Chit Win, điều đó có thể dẫn tới suy nghĩ London công nhận chính quyền quân sự Myanmar.

Ngược lại, nếu từ chối ông Chit Win, London sẽ phải giải bài toán làm thế nào đưa ông Kyaw Zwar Minn trở vào đại sứ quán, nơi được hưởng quyền miễn trừ bất khả xâm phạm. Đó là chưa kể Anh có thể bị chỉ trích là can thiệp công việc của nước khác, vi phạm các nguyên tắc ngoại giao đã ký.

Hãng tin Reuters bình luận việc ông Kyaw Zwar Minn bị cấp dưới nhốt bên ngoài đại sứ quán có thể tạo ra một hệ lụy xấu, ảnh hưởng tới các phái đoàn ngoại giao Myanmar trên thế giới.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 8-4 đã ra tuyên bố thể hiện sự ủng hộ với ông Kyaw Zwar Minn, nhưng tránh gọi ông là đại sứ.

"Chúng tôi lên án các hành động bắt nạt của chế độ quân sự Myanmar ở London hôm qua. Tôi cũng cảm ơn ông Kyaw Zwar Minn vì lòng dũng cảm của ông ấy", ông Raab viết trên Twitter.

Những người phản đối đảo chính Myanmar đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Myanmar cùng với ông Kyaw Zwar Minn ngày 7-4. "Tôi vừa rời khỏi đại sứ quán, họ xông vào và chiếm ngay", ông Kyaw Zwar Minn bức xúc, và mô tả đây là một hành động "làm phản".

Khi được hỏi ai đã tiếp quản đại sứ quán, ông Kyaw Zwar Minn trả lời ngay: "Tùy viên quốc phòng. Họ chiếm mất đại sứ quán của tôi rồi".

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC