Nông dân thu hoạch lúa tại huyện Candipuro, tỉnh Đông Java, Indonesia, ngày 9-12-2021 - Ảnh: REUTERS
Nhiều người dân Indonesia phải xếp hàng tại các đồn cảnh sát địa phương, thuộc chương trình cung cấp gạo giá rẻ của Chính phủ Indonesia, suốt hai tiếng đồng hồ để mua hai bao gạo 5kg với giá 6,4 USD (158.000 đồng), trong khi giá niêm yết tại chợ và siêu thị cho khối lượng gạo tương đương là 9,6 USD (238.000 đồng).
“Chúng tôi buộc phải xếp hàng để mua gạo dù lượng khách rất đông. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác vì giá gạo ở chợ rất đắt”, một người dân địa phương đang xếp hàng mua gạo chia sẻ.
Theo Hãng tin Reuters, từ những năm 1980, Indonesia đã tự sản xuất gạo cho thị trường nội địa. Như nhiều quốc gia châu Á khác, hơn 90% người dân Indonesia tiêu thụ gạo hằng ngày, cung cấp hơn một nửa lượng calo trong ngày của họ.
Ông Rajendra Aryal, đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Indonesia và Timor Leste, cho biết mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người hằng năm của Indonesia là 95kg.
Con số trên cao hơn rất nhiều so với mức tiêu thụ trung bình hằng năm của các loại tinh bột khác như ngô, khoai lang, khoai tây và sắn.
Khí hậu năm 2023 bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino, cùng mùa khô kéo dài ở nhiều khu vực đã khiến sản lượng lúa gạo tại Indonesia giảm 18% so với năm trước.
Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2024 khi xứ vạn đảo chuẩn bị bước vào mùa khô trong tháng sau.
“Những yếu tố này có thể khiến giá gạo tăng và làm suy yếu sức mua của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội, bao gồm cả các hộ sản xuất nhỏ”, ông Aryal nói với Hãng tin Reuters.
Theo ông Jongsoo Shin, giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) khu vực châu Á, giá gạo tăng và nguồn cung giảm có thể dẫn đến hiện tượng mất an ninh lương thực tại Indonesia.
“Những nông dân bị mất mùa, mất đi nguồn thu nhập chính dễ cảm thấy lo lắng, thất vọng, thậm chí có thể phải đối mặt với các khoản nợ nần, góp phần gây ra tình trạng bất ổn xã hội”, ông Shin nói thêm.
Ông Shin cho biết Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu 5 triệu tấn gạo vào năm 2024. Tuy nhiên, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gạo nhập khẩu có thể khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước những biến động giá cả và gián đoạn chuỗi cung ứng ở các nước xuất khẩu.
KHÁNH QUỲNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online