Nhiều người dân Bắc Kinh vẫn ngần ngại tiêm vaccine. (Ảnh: BBC)
Nhìn vào hàng dài người xếp hàng, Wang Shuhui lắc đầu ngán ngẩm.
Sau hai tuần bị ủy ban khu phố gửi giấy triệu tập tiêm vaccine, người phụ nữ 60 tuổi quyết định tới điểm tiêm phòng. Nhưng giờ, khi mắc kẹt trong hàng dài với gần 100 người đứng chờ tiêm, bà Wang bắt đầu thấy hối hận.
Những tấm áp phích quảng cáo kêu gọi tiêm chủng được dán khắp mọi ngóc ngách của Bắc Kinh những tuần gần đây. Để khuyến khích nhiều người cao tuổi tham gia, văn phòng quận Bắc Tân Kiều tuyên bố sẽ thưởng hai hộp trứng cho những người trên 60 tuổi tiêm đủ hai liều.
"Vấn đề không nằm ở trứng. Điều quan trọng nhất là ủy ban thúc giục chúng tôi đi tiêm vaccine", bà Wang cho hay.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đang mức thấp, giới chức Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp để khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Mục tiêu hiện tại mà Trung Quốc đặt ra là tiêm chủng cho 40% trong tổng số 1,4 tỷ dân vào cuối tháng 6.
Các quan chức địa phương đang chịu áp lực rất lớn trong việc tăng tốc độ tiêm chủng. Nhưng do Trung Quốc khá thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều người dường như không quan tâm lắm tới việc tiêm chủng.
Quốc gia tỷ dân đang bị tụt lại trong cuộc đua tạo "miễn dịch cộng đồng" dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau tác động của đại dịch. Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc là dưới 8 liều/100 người vào cuối tháng 3, chưa bằng 1/5 tỷ lệ ở Mỹ và Anh.
Tốc độ tiêm chủng chậm chạp không chỉ làm Trung Quốc - nước chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông 2022 không thể đón du khách trở lại mà còn khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với nguy cơ về các đợt bùng phát dịch mới.
Cách nơi bà Wang xếp hàng 20km, một chiếc loa phát thanh trước siêu thị thị trấn Cửu Long, quận Đại Hưng công bố phát phiếu mua sắm miễn phí thông qua ứng dụng dành cho những người đã được tiêm chủng.
Số liệu thống kê cho thấy chiến dịch tiêm chủng Trung Quốc đang được đẩy nhanh. Trong thời gian tám ngày, từ 24-31/3, Trung Quốc đã tiêm cho 36,98 triệu người. Con số này bằng tổng số mũi tiêm ba tháng trước đó cộng lại.
Hàng dài người xếp hàng chờ tiêm vaccine ở một điểm tiêm chủng của Bắc Kinh. (Ảnh: SCMP)
Ông Ernan Cui, một nhà phân tích về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho rằng tốc độ được đẩy nhanh đồng nghĩa Trung Quốc có thể đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh hơn so với dự kiến.
Với người Bắc Kinh, họ có nhiều lý do để đi tiêm chủng. Cui Gang, cư dân tới từ quận Cửu Long cho biết anh chọn tiêm phòng vì muốn những người xung quanh mình được an toàn.
Wang Qiang tới từ Đại Hưng tiết lộ, chính quyền địa phương tới cửa hàng của anh mỗi ngày để thuyết phục toàn bộ nhân viên đi chích ngừa.
"Họ sẽ không tới nữa nếu tất cả đồng nghiệp của chúng tôi được tiêm phòng", anh nói và chỉ vào bản sao giấy chứng nhận sức khỏe của nhân viên được dán trên tường của cửa hàng.
Một số khu vực ở Bắc Kinh yêu cầu tất cả các cửa hàng phải dán bảng kiểm đếm tỷ lệ tiêm chủng của nhân viên ở cửa trước.
Dẫu vậy, nhiều người Bắc Kinh vẫn khá ngại chuyện tiêm chủng.
"Công ty luôn ép tôi phải đi tiêm chủng và nói rằng không làm việc này là thiếu ý thức chính trị. Nhưng tôi vẫn không tiêm. Tôi hỏi công ty rằng họ sẽ làm gì nếu xảy ra sự cố. Họ nói sẽ không chịu trách nhiệm vì việc đi tiêm chủng là tự nguyện", Li Zhiyong, nhân viên làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước ở Đông Thành cho hay.
Hàng loạt các chương trình khuyến khích tiêm chủng ở Bắc Kinh cũng bị phàn nàn. Một số nói họ đã tiêm chủng nhưng những hộp trứng vẫn chưa tới như hứa hẹn. Ngoài ra, các điều kiện để sử dụng phiếu mua hàng tại các siêu thị cũng không đồng nhất.
Liu Mo, nhân viên siêu thị cho biết không hứng thú với việc bỏ 200 NDT để tiêm phòng trước khi được giảm giá 20 NDT.
"Tôi không có nhiều tiền như vậy", cô chia sẻ.
SONG HY (Theo: SCMP)
Nguồn: vtc.vn