"Chiến dịch tiêm chủng của Đan Mạch sẽ tiếp tục mà không có vắc xin AstraZeneca", Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch Soren Brostrom phát biểu trong cuộc họp báo tại Copenhagen ngày 14/4.
Quyết định của Đan Mạch được đưa ra bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cơ quan giám sát dược phẩm châu Âu về việc tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca để phòng ngừa Covid-19.
Hồi tháng 3, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên ở châu Âu đình chỉ sử dụng vắc xin AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng của nước này, khi xuất hiện thông tin về các trường hợp bị đông máu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca.
Sau Đan Mạch, hơn 10 quốc gia khác cũng đình chỉ vắc xin AstraZeneca, nhưng sau đó hầu hết đã nối lại việc sử dụng vắc xin này, khi Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) nhấn mạnh lợi ích và khẳng định vắc xin "an toàn và hiệu quả".
Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn tiếp tục ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca khi họ tiến hành các cuộc điều tra. Tại Đan Mạch, 2 trong số 140.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca đã bị gặp chứng đông máu, trong đó có một người tử vong.
Sau khi đình chỉ vắc xin AstraZeneca, Đan Mạch vẫn sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna.
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) tuần trước nói rằng họ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca và các trường hợp đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, EMA vẫn khuyến cáo các nước tiếp tục sử dụng vắc xin này, vì "lợi ích do vắc xin mang lại lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ".
Tuy nhiên, EMA cũng để cho các quốc gia tự đưa ra đánh giá của mình về vắc xin và quyết định cách thức tiêm vắc xin dựa trên điều kiện của từng nước. Nhà sản xuất AstraZeneca cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy vắc xin của họ làm tăng nguy cơ xuất hiện các cục máu đông.
Đan Mạch tuyên bố dừng hẳn tiêm vắc xin ngừa Covid-19 AstraZeneca (Ảnh: EPA).
Một số nước châu Âu đã hạn chế tiêm vắc xin AstraZeneca. Anh khuyến cáo không tiêm AstraZeneca cho người dưới 30 tuổi, Pháp và Bỉ là 55 tuổi, trong khi Italy và Tây Ban Nha là 60 tuổi.
Chính phủ Hà Lan ngày 2/4 thông báo tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau khi ghi nhận một số trường hợp bị đông máu bất thường
Ủy ban Vắc xin Đức (STIKO) ngày 1/4 khuyến cáo những người dưới 60 tuổi đã tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca nên chọn vắc xin khác để tiêm liều thứ hai.
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được nghiên cứu và phát triển dựa trên cơ sở hợp tác của hãng dược AstraZeneca với Đại học Oxford (Anh). Vắc xin AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia. Đến nay, khoảng 17 triệu người ở Anh và châu Âu đã tiêm loại vắc xin này.
Mỹ tiếp tục dừng tiêm vắc xin Johnson & Johnson
Cũng liên quan tới tình hình tiêm vắc xin Covid-19, tại Mỹ, một ủy ban cố vấn chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 14/4 quyết định rằng cần thêm thời gian để xem xét có nên tiếp tục sử dụng vắc xin Covid-19 do hãng Johnson & Johnson sản xuất hay không.
Cuộc họp khẩn cấp của ủy ban diễn ra chưa đầy 36 giờ sau khi CDC và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ kêu gọi tạm dừng tiêm vắc xin Johnson & Johnson, sau khi ghi nhận báo cáo về các phản ứng phụ nghiêm trọng xảy ra đối với 6 phụ nữ đã tiêm vắc xin Johnson & Johnson.
Ủy ban sẽ xem xét đưa ra khuyến cáo trong 10 ngày tới, đồng nghĩa với việc vắc xin Johnson & Johnson tiếp tục bị đình chỉ trong khoảng thời gian này.
Ủy ban đã nghe thông tin chi tiết về các trường hợp gặp phản ứng phụ, tất cả đều xảy ra ở phụ nữ từ 18 đến 48 tuổi. Các trường hợp này đều xuất hiện chứng rối loạn đông máu nghiêm trọng trong vòng từ 6 đến 13 ngày sau khi tiêm chủng.
Cho đến nay khoảng 7,2 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson đã được sử dụng tại Mỹ. CDC dự kiến sẽ ghi nhận thêm một số trường hợp gặp phản ứng phụ khác từ những người đã được tiêm chủng trong hai tuần qua.
2 phụ nữ ở Hong Kong bị sảy thai sau khi tiêm vắc xin BioNTech
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, trong một thông báo đưa ra vào tối 14/4, Cơ quan Y tế Hong Kong cho biết đã nhận được báo cáo đầu tiên về các ca sẩy thai sau khi tiêm vắc xin BioNTech, kể từ khi đợt tiêm chủng bắt đầu cách đây khoảng hai tháng.
"Hiện chưa có bằng chứng cho thấy hai trường hợp này có liên quan đến việc tiêm chủng", thông báo cho biết.
Cơ quan Y tế Hong Kong cho biết sẽ chuyển các trường hợp này đến một hội đồng chuyên gia để điều tra.
BioNTech từng thông báo vắc xin Covid-19 của hãng này không được "khuyến cáo sử dụng thường xuyên" trong thời kỳ mang thai, trừ khi người đó được coi là có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
William Chui Chun-ming, chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện, cho rằng người dân không nên vội vàng đưa ra kết luận trước khi các cuộc điều tra hoàn tất.
Nguồn: Dân trí