Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đại dịch đã khiến các chủ đề như tách rời khỏi Trung Quốc và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu được thảo luận thường xuyên hơn, và động thái này có thể sẽ đe dọa đến sự tồn vong của ĐCSTQ...
Gần đây, nhiều quan chức tài chính của ĐCSTQ biểu thị rằng đại dịch này đã thúc đẩy và làm tăng cường động thái “thoát Trung” trong lĩnh vực tài chính, tạo ra một liên minh quốc tế mà từ chối Trung Quốc và loại bỏ đồng nhân dân tệ (RMB).
Ông Li Yang, Chủ tịch của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, và là cựu phó chủ tịch của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói với truyền thông vào ngày 9/5 rằng: “Đại dịch virus Corona Vũ Hán có thể sẽ thúc đẩy ‘phản toàn cầu hóa’, đặc biệt là quá trình ‘thoát Trung’”.
Thời báo Kinh tế Hồng Kông trích dẫn lại lời của ông Li: “Tại thời điểm đầu của dịch bệnh này, một sự thiếu hụt USD đã xảy ra trên toàn cầu” và ông tin rằng “đây là một điều rất kinh khủng”. Ông cho biết mỗi lần thiếu hụt USD trong lịch sử đều làm củng cố thêm địa vị của đồng USD với tư cách là một loại tiền tệ dự trữ quốc tế. Ngay sau khi xảy ra sự thiếu hụt đồng USD, 9 ngân hàng trung ương đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.
“Có 2 điểm cần lưu ý, một là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không có trong thỏa thuận, và điểm còn lại là không có RMB trong mạng lưới này. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm, đó là ‘thoát Trung’”, ông Li cho biết.
Ông nói tiếp: “Cùng lúc đó, phiên bản 2.0 của đồng tiền kỹ thuật số Libra đã ra mắt gần đây. Cần phải lưu ý là đồng tiền kỹ thuật số này được chốt giá theo một số loại tiền tệ, nhưng không có RMB trong rổ tiền tệ định giá này”.
Một vài chuyên gia tin rằng RMB không có vị thế trên trường quốc tế, nên việc RMB sẽ ở lại hay rời khỏi thị trường tiền tệ không phải là vấn đề lớn.
Ông Xie Tian (Frank), giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina ở Aiken nói với The Epoch Times: “Ông ấy (chỉ Li Yang) có lẽ đã hiểu lầm về giá trị thực của đồng RMB và nghĩ rằng đồng RMB của Trung Quốc có vị thế quốc tế cao. Trên thực tế, RMB của Trung Quốc chẳng có chút giá trị nào trên thị trường tài chính quốc tế, bởi vì thậm chí nó còn không phải là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi tự do.
Khi mà nó không phải là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi tự do, thì nó không thể giữ được giá trị, không thể trở thành một loại tiền tệ dự trữ, hoặc được dùng trong thương mại quốc tế”.
Thêm nữa, ông Li Yang đã nói rằng: “Trên quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, một liên minh loại trừ đồng RMB và Trung Quốc đã được thành lập”.
Ông He Junqiao, một học giả tài chính từ Trung Quốc đại lục trả lời phỏng vấn của The Epoch Times: “Phi tiền tệ hóa nhân dân tệ thì có vấn đề gì? RMB của Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1% rổ tiền tệ của thế giới. RMB chẳng có uy tín, và thậm chí một số quốc gia còn không sử dụng nó.
Thậm chí còn chẳng có 1 RMB trong 100 USD trên thế giới, thế thì mục đích là gì? Ông ấy (chỉ Li Yang) đang hạ thấp toàn bộ tình huống, bởi vì nếu thế giới muốn tách rời Trung Quốc, thì việc phi tiền tệ hóa là không phải bàn cãi”.
Ông Frank tin rằng quá trình “thoát Trung” đã bắt đầu sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào năm ngoái. Cuộc chiến này đã thúc đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Ông nói rằng thảm họa virus còn đẩy nhanh quá trình này hơn.
Ông cho biết: “Đứng từ quan điểm của toàn bộ chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu, ‘thoát Trung’ là một xu hướng rất rõ ràng và đã bắt đầu từ lâu trước đại dịch. Trong đại dịch, những công ty mà chưa rời khỏi Trung Quốc đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Lấy ví dụ, các nhà máy sản xuất ô tô của Hàn Quốc và Nhật Bản đang được đặt tại Vũ Hán. Bởi vì các quốc gia khác không sản xuất các sản phẩm giá rẻ, nên họ đặt các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Qua đại dịch này, giờ đây họ đang chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác”.
Ông Frank cũng chỉ ra rằng một lý do khác để thúc đẩy quá trình “thoát Trung” là hiện nay phương Tây đã nhận ra những hành vi thâm hiểm của ĐCSTQ. Một vài năm trước, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển các chuỗi cung ứng thiết bị y tế và dược phẩm sang Trung Quốc. Nhưng trong đại dịch, ĐCSTQ đã sử dụng vật tư y tế, ví dụ khẩu trang, như một hình thức ngoại giao để trực tiếp đe dọa nhiều quốc gia phương Tây, trong khi không quan tâm gì tới sinh mạng người dân của chính mình. Kết quả là các nước phương Tây đã nhận ra bản chất bại hoại của ĐCSTQ và quyết định chuyển hoàn toàn chuỗi cung ứng dược phẩm của họ ra khỏi Trung Quốc.
Ông He Junqiao tin rằng điều đáng sợ hơn đối với ĐCSTQ là càng ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới yêu cầu họ (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm vì đã che giấu dịch bệnh.
“ĐCSTQ sẽ phản ứng ra sao với những yêu cầu chịu trách nhiệm? Một khi nền kinh tế Trung Quốc bị tách rời khỏi cộng đồng quốc tế, thì nền kinh tế của họ sẽ bị phá hủy, bởi vì trong vài thập kỷ cải cách và mở cửa vừa qua, các doanh nghiệp nhà nước đã giải quyết được rất ít vấn đề thất nghiệp. Về cơ bản, các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, các hộ gia đình đã giải quyết phần lớn vấn đề việc làm, tình huống việc làm này là rất nghiêm trọng”.
Ông He tin rằng nếu thế giới tách rời khỏi Trung Quốc, người dân Trung Quốc sẽ không thể chỉ dựa vào nông nghiệp.
“Bạn nói ví như những người này, và thậm chí cả những sinh viên mới tốt nghiệp có thể quay trở về vùng nông thôn và làm ruộng, nhưng diện tích đất nông thôn trên đầu người của Trung Quốc chỉ là 2 mẫu. 2 mẫu đất này không được sử dụng hoàn toàn để trồng cây lương thực, một số vẫn phải trồng rau, dầu thực vật, cỏ cho súc vật, trung dược, cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Diện tích đất thực để trồng cây lương thực thậm chí còn ít hơn, đất nông thôn đơn giản là không thể giải quyết vấn đề sinh kế ở nông thôn.”
Ông He nói rằng cái gọi là cải cách được thiết kế bởi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình vào thời điểm đó hoàn toàn là dựa vào dòng vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài. Một khi Trung Quốc tách rời khỏi cộng đồng quốc tế, đất nước này sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn về sinh tồn.
Thanh Hương
Theo The Epoch Times