Trừ Mỹ, đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới, nhiều nước thận trọng nới lỏng các biện pháp phòng dịch và đang từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi mua thực phẩm tại chợ ở Nice, Pháp, ngày 12/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.797.779 ca, trong đó có 316.483 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.854.251 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 44.820 và 2.627.045 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, thế giới có 3 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 300 ca là Mỹ, Brazil và Pháp. Mỹ, Nga và Brazil vẫn là ba quốc gia có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới 1 ngày qua.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại New York, Mỹ ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với tổng cộng 1.526.611 ca nhiễm và 90.968 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 855 ca tử vong vì COVID-19 và 18.838 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù vẫn là tâm dịch nóng nhất thế giới, song trong những ngày gần đây, số ca tử vong và mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày tại Mỹ đã thuyên giảm.
New York và New Jersey là hai tiểu bang có số ca tử vong cao nhất của nước này, lần lượt là 28.325 (tăng 191 ca so với 1 ngày trước) và 10.366 (tăng 106 ca). Đây cũng là hai bang có tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất "xứ sở cờ hoa", lần lượt là 359.835 và 147.862 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lille, Pháp, ngày 11/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Châu Âu tiếp tục đón nhận những tín hiệu đáng mừng, khi số ca mắc bệnh và tử vong mới tại hầu hết các nước đều chững lại hoặc giảm mạnh.
Tại Pháp, tính đến sáng 18/5, số ca tử vong vì COVID-19 là 28.108 người (tăng 483 ca trong 24 giờ). Áp lực đối với các bệnh viện tiếp tục đà giảm từ hơn một tháng qua, với 19.361 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 71 so với hôm trước), trong đó 2.087 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 45). Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 của nước này hiện là 179.569, chỉ tăng 483 ca so với 1 ngày trước.
Dù người dân Pháp đã có thể thoải mái tận hưởng thiên nhiên - các khu rừng và bãi biển đã được phép mở cửa - trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên sau 2 tháng phong tỏa, chính quyền vẫn kêu gọi thận trọng để tránh tái bùng phát dịch bệnh. Các nhà khoa học cảnh báo rằng sẽ không có đánh giá chính xác nào về sự lây lan của virus chết người này ít nhất trong 2 tuần tới.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Lille, miền bắc nước Pháp, ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran đã nhắc nhở trong một video đăng ngày 17/5 trên Twitter rằng phải tiếp tục giữ cảnh giác, bởi vì "virus đang tiếp tục lây lan trên lãnh thổ". Kể từ 11/5, ngày dỡ bỏ phong tỏa, cơ quan y tế đã phát hiện 25 ổ dịch mới. Ông Véran đảm bảo rằng đã thiết lập hệ thống xét nghiệm, cách ly nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm, với hơn 50.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Cùng ngày, Quốc vụ khanh phụ trách du lịch Jean-Baptiste Lemoyne cho biết Chính phủ Pháp sẽ mở lại "tối đa các địa điểm du lịch" vào ngày 21/6 để tái khởi động mùa du lịch hè. Theo ông, chính người dân Pháp sẽ là động lực cho sự hồi sinh của ngành công nghiệp không khói, đã mang lại 7% GDP quốc gia và tạo ra 2 triệu việc làm thường xuyên trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng y tế.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy ngày 12/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Tại Italy, theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 17/5, nước này ghi nhận 675 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 225.435 trường hợp.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng lên thành 31.908 trường hợp (tăng 145 ca). Có 2.366 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên thành 125.176 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 762 ca (giảm 13 ca).
Italy có 2 vùng không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh mới trong ngày là Calabria và Valle d’Aosta.
Đấu trường La Mã ở Rome, Italy ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết nước này đang tính toán các nguy cơ khi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa từ tuần tới, trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tính theo ngày đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/3.
Theo ông Conte, các cửa hàng được phép mở cửa trở lại kể từ ngày 18/5, trong khi việc di chuyển giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ được phép kể từ ngày 3/6 tới, trong khi những người nhập cảnh vào Italy không phải cách ly. Các cơ sở tập thể dục, bể bơi, trung tâm thể thao sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 25/5, trong khi các rạp chiếu phim và nhà hát sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 15/6.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Trong vòng 24 giờ qua, Bộ Y tế Tây Ban Nha ghi nhận 87 ca tử vong vì COVID-19, nâng số trường hợp thiệt mạng tại nước này lên 27.650 ca. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này tăng lên 277.719 ca, tăng 1.214 ca so với 1 ngày trước đó.
Như vậy, lần đầu tiên trong 2 tháng qua, Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày xuống dưới 100 ca.
Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha vẫn ra lệnh tiến hành cách ly 14 ngày đối với tất cả khách du lịch nước ngoài tới Tây Ban Nha kể từ ngày 1/5 trong nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ một đợt bùng phát dịch mới ở nước này.
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 2/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tại Nga, số ca mắc COVID-19 trong 1 ngày tiếp tục giảm dưới 10.000 trường hợp. Tính tới sáng 18/5 theo giờ Việt Nam, nước này đã ghi nhận thêm 9.709 trường hợp nhiễm virus SARS -CoV-2 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 281.752 người.
Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga cho biết có tới 42,4% trong tổng số bệnh nhân COVID-19 mới ở Nga không có các biểu hiện lâm sàng. Trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận 94 ca tử vong, đưa tổng số bệnh nhân mất mạng vì COVID-19 lên 2.631 người. Bên cạnh đó, 4.207 trường hợp đã khỏi bệnh, đưa tổng số bệnh nhân hồi phục lên 67.373 người.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 13/5. Ảnh: AFP/TTXVN.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhất với 3.855 ca bệnh mới được phát hiện trong ngày qua, đưa tổng số bệnh nhân tại thủ đô của nước Nga lên 142.824 người. Các địa phương khác có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 mới gồm tỉnh Moskva, thành phố St. Petersburg, tỉnh Nizhny Novgorod, và tỉnh Saratov.
Giám đốc Sở Công nghệ thông tin thủ đô Moskva, ông Eduard Lysenko cho biết thủ đô nước Nga đã xác định được 70.000 trường hợp vi phạm chế độ tự cách ly nhờ giám sát điện tử. Theo ông Lysenko, đây là những người nhiễm virus hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh cao, được xác định có thể gây nguy hiểm cho những người khác, song vẫn ra khỏi nhà. Một ứng dụng và một số công nghệ giám sát vị trí đã giúp chính quyền thủ đô xác định những người vi phạm.
Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Nga mới đây đã yêu cầu Google chặn thông tin sai lệch về thống kê số ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 của Nga. Yêu cầu trên được đưa ra sau khi hai báo Financial Times và New York Times của Mỹ đưa tin những thống kê chính thức của Nga về số người tử vong do COVID-19 ở nước này ít hơn so với thực tế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tại Ukraine, tính đến sáng 18/5 (giờ Việt Nam), nước này đã ghi nhận thêm 433 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 (giảm 95 ca), đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Ukraine lên 18.291 người, trong đó có 514 ca tử vong (tăng 17 ca so với 1 ngày trước đó). Ước tính đã có 5.116 bệnh nhân bình phục sức khỏe.
Các địa phương có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ukraine lần lượt gồm tỉnh Chernivtsi, thành phố Kiev, tỉnh Ivano-Frankivsk, tỉnh Ternopil, tỉnh Kiev. Ngoài ra, hai tỉnh có đông người Việt sinh sống là Odessa và Kharkiv lần lượt ghi nhận 746 và 786 ca mắc COVID-19.
Thủ đô London của Anh bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ảnh: AFP.
Tại Anh, xu thế dịch bệnh hạ nhiệt tiếp tục diễn ra. Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia này chỉ ghi nhận 170 ca tử vong và 3.534 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong và mắc COVID-19 ở "xứ sở sương mù" lên lần lượt 34.636 ca và 243.695.
Đức cũng chỉ ghi nhận 22 ca tử vong và 407 ca nhiễm bệnh trong ngày 17/5. Tới sáng 18/5, Đức có tổng cộng 176.651 ca mắc COVID-19, trong đó 8.049 người không qua khỏi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, Trung Quốc ngày 14/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tại châu Á, giới chuyên gia y tế Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 - cảnh báo quốc gia này có nguy cơ đối mặt với đợt tái bùng phát dịch bệnh do thiếu miễn dịch trong cộng đồng. Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia cố vấn y khoa cấp cao cho chính phủ, cho biết ở thời điểm hiện tại, đa số người dân Trung Quốc vẫn dễ mắc COVID-19 do không có miễn dịch. Ông nêu rõ đây là thách thức lớn.
Liên quan tới tình hình tại thành phố Vũ Hán, từng là tâm dịch của Trung Quốc và thế giới, giới chức y tế địa phương cho biết trong ngày 16/5, thành phố đã tiến hành tổng cộng 222.675 cuộc xét nghiệm axit nucleic, gần gấp đôi so với 1 ngày trước đó.
Tới sáng 18/5, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 82.947 ca mắc bệnh và 4.633 ca tử vong vì COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Chennai, Ấn Độ ngày 22/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất cho đến nay, thêm 5.050 ca và 154 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ lên 95.698 ca và 3.025 ca tử vong.
Tính đến sáng 18/5, có 34.109 bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện sau khi bình phục. Trước tình hình trên, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định gia hành lệnh phong tỏa toàn quốc đến cuối tháng 5 này.
Như vậy, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này đã lần đầu tiên vượt số ca mắc bệnh ở Trung Quốc (82.947 ca), nơi dịch bệnh khởi phát.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Tình hình dịch COVID-19 đến sáng 18/5 ở khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 68.797 ca mắc bệnh và trên 2.170 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực có hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận ca tử vong vì đại dịch, trong khi Campuchia và Timor Leste không còn bệnh nhân nào.
Theo thống kê của trang worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, các nước ASEAN có 1.408 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.170 người dân ở khu vực này, tăng 66 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 25.184 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Singapore tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 682 ca; Indonesia ghi nhận một trong những ngày có số ca tử vong cao nhất với 59 trường hợp.
Nhìn chung, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines; một số nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó có Thái Lan.
Thái Lan đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca mắc mới virus SARS-CoV-2 có xu hướng chậm lại, ngày 17/5, các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa tại quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa trở lại kể từ khi phải tạm ngừng hoạt động hồi tháng Ba vừa qua.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Mecca, Saudi Arabia ngày 8/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: AFP/ TTXVN.
Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 17/5 thông báo phát hiện 2.736 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia vùng Vịnh này lên 54.752 người. Bên cạnh đó, số trường hợp thiệt mạng do mắc COVID-19 ở nước này là 312, sau khi có 10 ca tử vong trong ngày.
Hãng thông tấn quốc gia Saudi Arabia (SPA) dẫn lời Bộ trưởng Y tế Tawfiq Al Rabiah khẳng định tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này là một trong những mức thấp nhất trên thế giới nhờ hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Saudi Arabia vẫn tiếp tục tăng là do quốc gia này tăng cường xét nghiệm và sàng lọc các ca nhiễm bệnh.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên đường phố Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 9/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ 24 giờ qua ghi nhận 1.368 trường hợp mắc COVID-19 và 44 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 149.435 người và 4.140 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến nay, quốc gia này đã thực hiện hơn 1,62 triệu lượt xét nghiệm nhằm sàng lọc các nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại Qatar, Bộ Y tế nước này xác nhận 1.632 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 32.604 trường hợp. Hầu hết các ca nhiễm bệnh mới là lao động nước ngoài, những người đã được cách ly sau khi có tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính trước đó. Hiện số bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Qatar vẫn là 15 trường hợp, trong khi số bệnh nhân phục hồi là 4.370 người.
Người dân tắm nắng trên bãi biển ở Dubai, UAE, ngày 13/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Còn tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước này cũng ghi nhận 731 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 23.358 trường hợp. Bên cạnh đó, số bệnh nhân tử vong do căn bệnh này ở UAE là 220, sau khi có thêm 6 trường hợp thiệt mạng trong ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập. Ảnh: THX/TTXVN.
Truyền thông Ai Cập ngày 17/5 dẫn thông báo của Thủ tướng Mostafa Madbouly cho biết, quốc gia Bắc Phi này sẽ áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiềm chế đại dịch COVID-19, trong đó có quyết định kéo dài thời gian giới nghiêm vào ban đêm trong kỳ nghỉ lễ Eid El-Fitr sắp tới.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Madbouly cho hay, lệnh giới nghiêm mới sẽ được áp dụng trên toàn quốc kể từ 17h hôm trước cho tới 6h hôm sau, kéo dài trong suốt kỳ nghỉ lễ Eid El-Fitr của người Hồi giáo từ ngày 24-29/5. Tất cả các nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi biển và công viên sẽ bị đóng cửa hoàn toàn trong giai đoạn này. Ngoài ra, các dịch vụ giao thông công cộng cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Vắc-xin phòng COVID-19 được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN.
Ngày 17/5, một nhóm chuyên gia hàng đầu tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết kết quả thử nghiệm ở chuột hamster cho thấy việc sử dụng rộng rãi khẩu trang y tế giúp giảm tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới trả lời cho câu hỏi liệu khẩu trang y tế có thể ngăn những người mắc COVID-19, cả có hoặc không biểu hiện triệu chứng, truyền bệnh cho người khác hay không.
Nguồn: baotintuc.vn