Tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc nắm giữ 1,06 nghìn tỷ USD trong tổng nợ công 20,4 nghìn tỷ USD của Mỹ.

42 1 Dieu Gi Xay Ra Neu Bac Kinh Ban Thao No Cong My De Tra Dua

Ảnh: Reuters

Trung Quốc hiện là một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới, đặc biệt đối với Mỹ. Bắc Kinh không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đang là một trong những chủ nợ lớn nhất của nước này, chỉ sau Nhật Bản. 

Mỹ nợ Trung Quốc bao nhiêu?

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tổng nợ công của nước này vào khoảng 20,4 nghìn tỷ USD, trong đó Trung Quốc nắm 1,06 nghìn tỷ USD và Nhật Bản nắm 1,27 nghìn tỷ USD. Tính chung, các nhà đầu tư nước ngoài giữ khoảng 7,07 nghìn tỷ USD, tương đương 35% tổng nợ, và Trung Quốc giữ 5,2%.

Bộ Tài chính Mỹ chỉ ra rằng, dữ liệu kể trên có thể không cung cấp con số "kế toán chính xác về quyền sở hữu của từng quốc gia" đối với các trái phiếu kho bạc Mỹ. Bởi vì loại trái phiếu này còn có thể được giữ trong các tài khoản lưu ký ở nước ngoài không thuộc về chủ sở hữu thực tế.

Giới phân tích thị trường nghi ngờ Trung Quốc sử dụng các công ty chứng khoán ở nhiều nước khác để mua thêm nợ Mỹ.

Tại sao Trung Quốc mua nợ Mỹ?

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đạt thặng dư thương mại lớn về hàng hóa và dịch vụ, nghĩa là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Thu nhập bằng ngoại tệ của nước này cũng tăng lên, với nhiều giao dịch thương mại được thanh toán bằng đồng đôla Mỹ.

Do đó Trung Quốc tích lũy đôla Mỹ, mua các tài sản khác mà đồng tiền này chi phối, chẳng hạn trái phiếu kho bạc Mỹ. Những tài sản đó được đưa vào các quỹ dự trữ ngoại hối, và các quỹ này giờ đã lớn nhất thế giới, ở mức 3,128 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc quản lí dự trữ ngoại hối bằng cách đầu tư vào nhiều loại tài sản an toàn và ổn định, để tránh sự biến động của dòng vốn và ổn định nền kinh tế trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Cường quốc châu Á kiểm soát rất chặt tỷ giá đồng Nhân dân tệ với đồng đôla Mỹ để cạnh tranh xuất khẩu và giám sát nghiêm ngặt dòng tiền vào và ra khỏi đất nước.

Trung Quốc cũng tiếp tục duy trì thặng dư thương mại với Mỹ, để đảm bảo thị trường việc làm và phát triển nền kinh tế.

Tuy Trung Quốc không công khai cụ thể nhưng ước tính khoảng 1/3 tổng lượng tài sản dự trữ ngoại hối của nước này nằm ở nợ công của Mỹ, vốn được đánh giá là "nơi trú ẩn an toàn" cho đầu tư trong các điều kiện thị trường hỗn loạn, vì Chính phủ Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ. Fitch Ratings và Moody's Investors Services xếp hạng tín dụng Mỹ lần lượt ở mức AAA và Aaa, còn Standard & Poor's dành cho Mỹ mức AA+, ngay dưới mức cao nhất.

Đồng đôla Mỹ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế. Các mặt hàng như dầu lửa và khí đốt cũng được định giá và giao dịch bằng đồng tiền này.

Nếu Trung Quốc bán tháo nợ công Mỹ?

Kể từ khi cuộc thương chiến bùng nổ giữa hai cường quốc năm 2018, lo ngại ngày càng tăng là Trung Quốc có thể sẽ "vũ khí hóa" số nợ công của Mỹ mà nước này đang nắm giữ như một cách để trả đũa chính sách áp thuế cao. Nếu Trung Quốc làm vậy, sẽ xảy ra tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu, khiến lãi suất Mỹ tăng cao và tiềm tàng gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, sự bán tháo đột ngột có thể khiến tỷ giá đồng đôla tụt giảm so với đồng Nhân dân tệ, khiến xuất khẩu của Trung Quốc đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, một đồng đôla suy yếu cũng khiến Bắc Kinh bán trái phiếu được ít tiền hơn, tính theo đồng nội tệ.

Hồi tháng 8/2015, Trung Quốc đã cắt giảm khoảng 180 tỷ USD lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà nước này nắm giữ. Quyết định này không gây ra phản ứng nào trên thị trường trái phiếu và lãi suất của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh bán số lượng nhiều hơn thì có thể sẽ gây gián đoạn thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và cả các thị trường tài chính lớn hơn, đặc biệt nếu đó được xem là động thái chính trị của Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc dẫn lời ông Xi Junyang, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, nói hồi tháng 9 rằng Trung Quốc sẽ "giảm dần lượng nợ công Mỹ đang nắm giữ xuống còn khoảng 800 tỷ USD trong các tính huống bình thường".

"Nhưng tất nhiên, Trung Quốc có thể bán tất cả các trái phiếu Mỹ trong trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như một cuộc xung đột quân sự", ông Xi Junyang bình luận.

Viễn cảnh nợ công Mỹ trong tay Trung Quốc

Trung Quốc đẩy mạnh thu mua trái phiếu kho bạc Mỹ từ năm 2000, với đỉnh điểm vào năm 2014 rồi giảm dần sau đó. Khi quan hệ song phương xấu đi do Washington gia tăng đe dọa trừng phạt tài chính, cường quốc châu Á ngày càng thận trọng hơn trước sự thống trị của đồng đôla trong các giao dịch quốc tế.

Triển vọng Mỹ nới lỏng thêm nữa chính sách tiền tệ và tiếp tục giữ các mức lãi siêu thấp trong thời gian dài cũng khiến Bắc Kinh lo lắng, vì chúng sẽ làm giảm lợi tức từ trái phiếu chính phủ Mỹ.

Báo SCMP dẫn cảnh báo của ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, rằng gói kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ của Mỹ có thể đẩy thế giới vào khủng hoảng tài chính toàn cầu.

"Trong một hệ thống tiền tệ quốc tế mà đồng đôla thống trị, chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn và chưa từng có tiền lệ của Mỹ thực sự làm giảm độ tin cậy của đồng đôla và làm xói mòn nền tảng ổn định tài chính toàn cầu", ông Guo viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Cầu Thị của Trung Quốc hồi tháng 8.

Bắc Kinh đã dành nhiều nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ, trong đó có khuyến khích sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, do không được tự do chuyển đổi nên đồng tiền Trung Quốc vẫn chưa thể thay thế đồng đôla trong các giao dịch quốc tế.

Trung Quốc cũng đã bổ sung các trái phiếu Chính phủ Nhật Bản vào kho dự trữ ngoại hối của mình, nhưng lợi tức không cao bởi lãi suất của Nhật Bản rất thấp. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc đã mua lượng trái phiếu cả trung hạn và dài hạn trị giá 1,46 nghìn tỷ Yen (14 tỷ USD) từ tháng 4 đến tháng 7/2020. Số tiền này gấp 3,6 lần so với cùng khoảng thời gian năm 2019.

Rõ ràng Trung Quốc muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ công Mỹ. Thế nhưng, giới chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có khả năng vẫn mua trái phiếu kho bạc Mỹ do không có nhiều chọn thay thế chi phí thấp mà lại ít rủi ro.

Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC