Trong kế hoạch vươn lên trở thành siêu cường hàng hải toàn cầu, Trung Quốc đã mở rộng quy mô và biến đội tàu cá nước này thành lực lượng hùng hậu nhất thế giới. Những năm qua, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đã châm ngòi căng thẳng tại nhiều vùng biển trên thế giới, theo Wall Street Journal.
Đội tàu cá khổng lồ
Hạm đội tàu cá đang đóng vai trò quan trọng củng cố hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trên các vùng biển, bao gồm thiết lập một mạng lưới cảng biển khắp thế giới.
Các tàu cá được trang bị những máy kéo, thiết bị sóng âm, và lưới đánh cá khổng lồ, có những chiếc lớn gấp đôi tàu tuần tra hải quân thông thường. Chiều dài trung bình các tàu cá Trung Quốc có thể lên tới gần 70 m.
Trung Quốc tìm cách dùng đội tàu cá lớn để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi pháp. Ảnh: WSJ.
Báo cáo của Overseas Development Institution cho thấy hơn 17.000 tàu cá Trung Quốc tham gia hoạt động bất hợp pháp trên vùng nước của các quốc gia khác. Để so sánh, số tàu cá của Đài Loan và Hàn Quốc tổng cộng chỉ khoảng 2.500 chiếc.
Từ 2010-2019, tàu mang cờ hoặc thuộc sở hữu của Trung Quốc dính líu tới 21% số hoạt động đánh cá bất hợp pháp toàn cầu, tăng 16% so với thời kỳ trước.
Năm 2019, tổ chức theo dõi tội phạm xuyên quốc gia Global Initiative xếp hạng Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong hoạt động đánh cá bất hợp pháp.
Tại Tây Phi, ngư dân Ghana cho biết tàu cá Trung Quốc được trang bị để đánh bắt cá ở mọi độ sâu. Đội tàu Trung Quốc hoạt động mỗi ngày, đi từ vùng biển họ được cấp phép xâm nhập vào vùng nước thuộc chủ quyền của Ghana, đánh bắt những loại cá vốn quyền khai thác chỉ dành cho ngư dân địa phương.
“Những tàu cá này làm cạn kiệt nguồn thủy sản của chúng tôi nhanh khủng khiếp, chúng tôi giờ rơi vào nợ nần”, Kajo Panyin, ngư dân 53 tuổi sống tại một làng chài ở Axim, Ghana, cho biết. Không chỉ đánh cá, tàu Trung Quốc cũng phá hỏng lưới đánh cá của ngư dân địa phương, ông Panyin nói thêm.
Nhiệm vụ kép
Với Trung Quốc, ngành khai thác thủy sản có nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, đồng thời tạo ra hàng chục triệu việc làm trong các ngành khai thác và chế biến nông thủy sản.
Đánh cá xa bờ được nêu bật trong sách lược phát triển quốc gia của Bắc Kinh, là thành tố then chốt trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường, trong đó có các tuyến giao thương trên biển.
“Ngành khai thác thủy sản có vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải quốc gia”, tài liệu này cho biết.
Bắc Kinh đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức nhanh chóng phát triển 29 cơ sở đánh cá xa bờ khắp thế giới, cho phép Trung Quốc khuếch trương tầm nhìn của nước này, biến nó trở thành trung tâm trong mạng lưới cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Tại Tây Phi, tập đoàn đánh cá Fuzhou Hongdong Pelagic Fishery đang đầu tư 60 triệu USD mở rộng cảng đánh cá ở Mauritania. Đây là căn căn cứ đánh cá xa bờ lớn nhất của Trung Quốc.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: SCMP. |
Các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng một cảng đánh cá ở Pakistan, gần một tuyến vận chuyển dầu lớn mà Bắc Kinh đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng.
Trong khi 75% đội tàu đánh cá thuộc sở hữu tư nhân, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì hiện diện đáng kể trong ngành khai thác thủy sản. Công ty đánh cá xa bờ lớn nhất Trung Quốc – China National Fisheries Corp – là một tập đoàn thuộc sự quản lý của chính phủ trung ương.
Các công ty đánh bắt thủy sản cũng có quan hệ mật thiết với chính phủ và phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước. Chủ tịch của Fuzhou Hongdong, tập đoàn đang xây dựng cảng biến ở Mauritania, là một đại biểu Quốc hội Trung Quốc.
Các đội tàu cá đóng vai trò đắc lực trong tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Hải quân, hải cảnh và lực lượng bán vũ trang do chính phủ quản lý cũng thường tham gia cùng đội tàu cá trong các hoạt động gây hấn ở Biển Đông.
Coi thường luật lệ
Luật biển quốc tế trao cho các quốc gia ven biển thẩm quyền với nhiều mức độ trên vùng nước 200 hải lý từ bờ biển quốc gia mình. Tất cả quốc gia đều tìm cách hạn chế hoạt động của tàu nước ngoài trên vùng biển do mình kiểm soát, trong đó có hoạt động đánh cá.
Tháng 10/2020, nhà chức trách Malaysia đã bắt giữ 6 tàu cá Trung Quốc, cáo buộc các ngư dân đã xâm nhập trái phép vùng biển nước này.
Tháng 8/2020, khoảng 300 tàu cá Trung Quốc đánh cá gần vùng biển quanh quần đảo Galapagos của Ecuador. Nhà chức trách Ecuador cho biết số tàu cá Trung Quốc nhiều chưa từng có, cáo buộc lực lượng này đánh cá trái phép, tắt hệ thống định vị, đổi tên tàu để che giấu danh tính.
Các quan chức quốc gia Nam Mỹ cho biết tàu cá Trung Quốc đe dọa đa dạng sinh học của quần đảo Galapagos. Tàu cá Trung Quốc khai thác quá mức một loại mực vốn là thức ăn của nhiều loài động vật tại quần đảo này.
Tàu hàng lạnh Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999 bị chặn lại trong khu bảo tồn biển Galápagos năm 2017. Trên tàu này có khoảng 300 tấn cá, chủ yếu là cá mập, bao gồm cả các loài được bảo vệ. Ảnh: Vườn quốc gia Galapagos. |
“Trong 5 năm qua, đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đã gây ra những sự biến đổi lớn. Họ khiến các ngư trường nhỏ kiệt quệ, khai thác hết nguồn cá vốn là nguồn sống của người dân địa phương”, Steve Trent, đồng sáng lập quỹ bảo tồn Environmental Justice Foundation, cho biết.
Tại Ghana, nhà chức trách quy định vùng nước trong phạm vi 6 hải lý từ bờ biển chỉ thuộc quyền khai thác của ngư dân địa phương. Nhưng tàu cá Trung Quốc phớt lờ quy định này, ngư dân địa phương cùng các nhóm bảo tồn tố cáo.
Tàu cá Trung Quốc đánh cá trái phép tại Ghana. Ảnh: WSJ. |
Các tàu cá hiện đại của Trung Quốc có thể khai thác tới 700 tấn cá mỗi ngày, tương đương khả năng khai thác trong 6 tháng của tàu cá thuộc loại lớn nhất châu Phi. Giờ đây, tại thị trấn Axim nơi người dân chủ yếu sống dựa vào đánh cá, người dân phải lái xe hơn 130 km tới một cơ sở của Trung Quốc để mua cá, ngư dân địa phương cho biết.
Tháng 6/2020, cảnh sát biển Ghana bắt giữ tàu cá Lurongyuanyu 956, cho biết con tàu đánh cá bằng loại lưới có kích thước mắt trái quy định.
Vấn đề đánh bắt cá đôi lúc bị lấn át bởi các ưu tiên thương mại lớn hơn giữa các nước với Bắc Kinh.
Năm 2020, giá trị thủy sản khai thác của Ghana là 480 triệu USD, chỉ bằng số lẻ so với giá trị thương mại song phương 7,3 tỷ USD với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là bên rót vốn cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Ghana.
Tại quốc gia láng giềng Sierra Leone, nhà chức trách cho biết hoạt động đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc khiến quốc gia châu Phi này thiệt hại 29 triệu USD mỗi năm. Tháng 8/2020, Sierra Leone cho biết 3 tàu cá Trung Quốc đã bỏ trốn sau khi bị nhà chức trách truy đuổi vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển nước này.
Trên vùng biển quốc tế, vốn ít tranh chấp hơn, tàu cá Trung Quốc cũng trở thành đối tượng bị điều tra.
Nhà chức trách Indonesia đang điều tra một tàu khai thác cá ngừ Trung Quốc sau khi 4 ngư dân Indonesia chết khi đánh cá ở Nam Thái Bình Dương. Ngư dân Indonesia trên tàu cho biết họ bị chủ tàu ép đánh bắt cá mập để lấy vây, món ăn khoái khẩu tại Trung Quốc.
“Kể từ tháng 10, chúng tôi đã dừng khai thác cá ngừ. Thay vào đó, chúng tôi phải bắt cá mập mỗi ngày, và chỉ cá mập thôi”, một ngư dân trên tàu cho biết.
Nguồn: Zing