Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/7/2018
Nói chuyện với phóng viên, ông Trump lặp lại niềm tin của mình rằng Nga đã vi phạm Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987, cũng là hiệp định mà ông Trump dọa sẽ từ bỏ. Nga phủ nhận điều này.
Hiệp định từ thời Chiến tranh lạnh này cấm các tên lửa tầm trung, làm giảm mối đe dọa của Liên Xô đối với các quốc gia châu Âu.
Nga đã cảnh báo sẽ đáp trả tương tự nếu Mỹ phát triển thêm vũ khí.
Ông Trump nói Mỹ sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân cho đến khi "mọi người biết suy nghĩ hợp lý hơn".
Ông Trump cũng nói thêm: "Đó là mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào mà quý vị muốn nhắm vào, bao gồm Trung Quốc, Nga hay bất kỳ nước nào muốn chơi trò này ... [Nga đã] không tôn trọng tinh thần của thỏa thuận hoặc không tôn trọng chính thỏa thuận đó."
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã tham gia các cuộc đàm phán tại Moscow sau khi Nga lên án kế hoạch từ bỏ INF của Hoa Kỳ.
Nga nói với ông Bolton rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ là một "cú đánh nghiêm trọng" vào chính sách không phổ biến vũ khí.
Tuy nhiên, thư ký Hội đồng Bảo an Nga Nikolai Patrushev cũng cho biết điện Kremlin đã "sẵn sàng" để đàm phán với Mỹ nhằm loại bỏ những trách cứ "lẫn nhau" về INF.
Khi ông Bolton bắt đầu chuyến thăm của mình, Moscow cảnh báo sẽ thực hiện các bước nhằm duy trì cân bằng quyền lực hạt nhân.
"Chúng tôi cần nghe lời giải thích của phía Mỹ về vấn đề này", phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov nói. "Việc [Mỹ] rút khỏi hiệp định buộc Nga phải có động thái để đảm bảo an ninh quốc gia".
Hiệp ước nói gì?
Hiệp định INF được ký kết bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh.
Hiệp định này cấm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, với tầm bắn từ 500 đến 5.500km, cả loại hạt nhân và thông thường.
Hôm Chủ nhật 21/10, ông Mikhail Gorbachev đã lên tiếng rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp định sẽ làm đảo ngược những nỗ lực giải trừ hạt nhân.
Nhưng Mỹ khẳng định Nga vi phạm thỏa thuận này. Rằng Nga đã phát triển một tên lửa tầm trung mới gọi là Novor 9M729 - mà Nato gọi là SSC-8 - cho phép Nga có thể nhanh chóng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân vào các nước Nato.
Moscow phủ nhận điều này. Nhưng Nato cho biết hồi tháng Bảy rằng Nga đã không đưa ra bất kỳ "câu trả lời đáng tin cậy" nào về vấn đề tên lửa. Nato kết luận rằng "đánh giá hợp lý nhất sẽ là Nga đang vi phạm hiệp định".
Ngoại trưởng Đức mô tả kế hoạch rút lui khỏi INF của ông Trump là "đáng tiếc", và mô tả thỏa thuận này là "cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với châu Âu".
Nhưng việc rời khỏi INF cũng được xem là một biện pháp đối phó với Trung Quốc, nước chưa ký kết hiệp định, và do đó có thể phát triển loại vũ khí này nếu muốn.
Quyết định này có thể tạo ra sự không chắc chắn về tương lai của các hiệp định giải trừ vũ khí khác giữa Hoa Kỳ và Nga, như Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới kết thúc vào tháng 2/2021.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước vũ khí lớn là vào năm 2002, khi Tổng thống George W Bush kéo Mỹ ra khỏi Hiệp ước Tên lửa Chống đạn đạo. Hiệp ước này cấm các vũ khí được thiết kế để chống lại tên lửa hạt nhân đạn đạo.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan ký hiệp định INF hồi 1987
Nguồn: BBC