Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca trong ngày 25-3 tại lâu đài Lichfield ở Anh - Ảnh: AFP
Trước đó, hôm 24-3, EU đã công bố các nguyên tắc kiểm soát ngặt nghèo hơn với việc xuất khẩu vắc xin COVID-19, áp dụng trong 6 tuần, nhằm giúp khối này giải quyết tình trạng khan hiếm vắc xin.
EU nhắm đến Anh?
Theo các nguyên tắc mới, EU sẽ cân nhắc việc cấp phép xuất khẩu vắc xin COVID-19 được sản xuất nội khối trên cơ sở đánh giá các quốc gia tiếp nhận có đối xử công bằng với EU hay không, nhất là với những nước cũng có sản xuất vắc xin COVID-19.
Dựa trên các chỉ dấu gần đây, có thể nhận ra các nguyên tắc này nhắm vào Hãng AstraZeneca (Anh). EU cáo buộc nhà sản xuất vắc xin này đã không hoàn thành trách nhiệm đơn hàng với họ vì còn mải lo cung cấp vắc xin cho nước Anh, một cựu thành viên EU.
Sự việc mới nhất khi nhà chức trách Ý phát hiện kho hàng chứa 29 triệu liều vắc xin COVID-19 "chưa được báo cáo" của AstraZeneca trong một nhà máy gần thành Rome càng làm dấy lên những ngờ vực của giới chức EU về "âm mưu" giấu hàng xuất khẩu của AstraZeneca.
Phó chủ tịch EC - ông Valdis Dombrovskis chỉ trích AstraZeneca vì "họ đã cam kết cung cấp cho EU 120 triệu liều vắc xin trong quý 1 năm nay, họ đã hứa có thể cung cấp 30 triệu liều, nhưng tới nay họ thậm chí còn chưa đạt được gần bằng con số ấy".
Nhiều nước thành viên EU cho rằng nếu so với các nước như Anh, Mỹ, EU đã chậm chạp trong việc chốt hợp đồng mua vắc xin với các hãng dược để đảm bảo triển khai nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Cho tới nay, theo số liệu của Đài NBC News, chưa tới 10% người trưởng thành tại EU đã được tiêm mũi đầu tiên. Trong khi đó hơn 50% người trưởng thành ở Anh và 32% người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm vắc xin.
Châu Âu đang đối mặt với làn sóng đại dịch COVID-19 thứ ba. Nhiều nước tại đây đã phải tái áp đặt các lệnh phong tỏa mới.
Lo ngại nhiều hệ lụy
Các nguyên tắc mới của EU vấp phải phản ứng của dư luận ở cả trong và ngoài khối. Anh và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ trích EU về cái mà họ gọi là chủ nghĩa dân tộc vắc xin, khi khối này đặt ra các nguyên tắc kiểm soát xuất khẩu với các vắc xin được sản xuất nội khối.
Các chuyên gia cảnh báo một lệnh cấm với nguồn cung vắc xin có thể gây đứt gãy chuỗi cung cấp vắc xin COVID-19 toàn cầu ở một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong nỗ lực chung chống đại dịch của toàn thế giới.
Bất kể việc bà Stella Kyriakides, ủy viên châu Âu phụ trách y tế, nhấn mạnh các nguyên tắc mới không phải lệnh cấm xuất khẩu, giới chuyên gia vẫn cho rằng cuộc tranh cãi "ba bên" gồm EU, Vương quốc Anh và AstraZeneca có thể gây hậu quả tiêu cực không chỉ cho các chiến dịch tiêm chủng hiện nay, mà còn cả với cuộc chiến chống lại những biến thể mới của virus corona.
"Nếu những hạn chế thương mại và những khó khăn khác về phương diện nguồn cung gây cản trở việc cung cấp toàn cầu, điều đó sẽ khiến tất cả chúng ta kém an toàn hơn" - ông Rob Yates, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London (Anh), nhận định với Đài NBC News.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng lên, các chuyên gia y tế vẫn luôn nhấn mạnh rằng sẽ không ai được an toàn cho tới khi toàn cầu có thể tiếp cận vắc xin. Và khi virus càng tồn tại lâu, nguy cơ phát sinh các biến thể mới lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn cũng sẽ tăng theo.
41 triệu
Theo bà Ursula von der Leyen, kể từ đầu tháng 2-2021 các nhà sản xuất vắc xin tại châu Âu đã xuất khẩu ít nhất 41 triệu liều vắc xin tới 33 quốc gia. Trong khi đó cùng khoảng thời gian này, chưa có thông tin nào cho thấy Mỹ và Anh đã xuất khẩu vắc xin COVID-19.
Theo báo New York Times, các nguyên tắc mới của EU về xuất khẩu vắc xin sẽ không ảnh hưởng tới việc vận chuyển vắc xin của AstraZeneca tới các nước nghèo hơn thông qua cơ chế COVAX do WHO điều hành.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online