Tới 6h ngày 3-7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 10.960.403 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 522.977 ca tử vong.

42 1 Gan 11 Trieu Nguoi Tren The Gioi Da Mac Covid 19  

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng  phòng chống COVID-19 ở Costa Rica  (Ảnh: EPA)

Số ca hồi phục là 6.127.489 người trong khi số bệnh nhân đang được điều trị là hơn 4.337.955 người với khoảng 1% trong số này (tương đương 58.103 người) đang trong trường hợp nặng hoặc nguy kịch.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất, dịch vẫn diễn biến khó lường khi đến nay đã ghi nhận 2.830.448 ca nhiễm (48.748 ca nhiễm mới) và 131.413 ca tử vong. Dịch bệnh lây lan mạnh tại các khu vực miền Nam nước này, với các điểm nóng là Texas, Florida và Arizona. Trong đó, riêng Florida đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ. Nhiều địa phương đã phải tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh như cấm các hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng hoặc tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các nhà hàng dự kiến được thực hiện vào tuần tới.

Tại Nam Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Hiện quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng 1.496.969 ca nhiễm (43.489 ca nhiễm mới) và 61.884 ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị quốc gia này cần nỗ lực thực thi các biện pháp đồng bộ từ cấp liên bang đến các cấp nhỏ hơn, cũng như tập trung tiếp cận toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh.

Châu Âu

Tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực tại châu Âu, tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp tục thực hiện những kế hoạch mở cửa trở lại. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly đối với các du khách đi bằng đường hàng không. Anh cũng bãi bỏ yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia mà London nhận thấy có nguy cơ dịch bệnh Covid-19 là rất thấp. Nước này hiện ghi nhận 283.757 ca nhiễm, trong đó có 576 ca nhiễm mới. 

Bỉ bắt đầu bước vào giai đoạn 4 của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt trước đó, qua đó cho phép các rạp chiếu phim mở cửa trở lại và các sự kiện văn hóa được diễn ra với điều kiện phải tuân thủ các quy định về y tế và an toàn dịch tễ.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các quán cà phê internet và quán game trên cả nước đã được mở cửa trở lại, nhưng phải tuân thủ hàng loạt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế nước này. Sân bay Istanbul hiện đã đưa vào hoạt động trung tâm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hành khách quốc tế.

Thụy Sĩ vừa công bố danh sách giới hạn 29 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Từ ngày 7-6, những người đến từ các nước này sẽ bắt buộc phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh vào Thụy Sĩ. 

Châu Phi

Ủy viên Liên minh châu Phi (AU) về năng lượng và cơ sở hạ tầng Amani Abou-Zeid cho biết các nước châu Phi mất gần 55 tỷ USD nguồn thu du lịch trong 3 tháng trở lại đây do tác động của đại dịch.

Nam Phi tiếp tục là nước có nhiều ca nhiễm nhất châu lục này, khi ghi nhận thêm 8.214 ca nhiễm - cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc lên 168.061 ca, trong đó có 2.844 ca tử vong. 

Ai Cập trong cùng ngày cũng xác nhận thêm 1.485 trường hợp nhiễm Covid-19, đưa tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 71.299 người, trong đó 2.844 bệnh nhân đã tử vong. 

Châu Á

Nhật Bản đang lập các trung tâm xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) tại 3 sân bay lớn, gồm sân bay Haneda và Narita của Tokyo cùng sân bay Kansai ở Osaka vào khoảng tháng 9. 

Hiện tại, mới có khoảng 1.000 lượt xét nghiệm PCR được thực hiện hằng ngày ở các điểm kiểm dịch đặt tại sân bay của Nhật Bản và thường mất 1-2 ngày để có kết quả. Với kế hoạch mới, Nhật Bản hy vọng có thể thực hiện được khoảng 4.000 lượt xét nghiệm PCR mỗi ngày và thời gian chờ kết quả dự kiến được rút xuống còn vài giờ. Theo Bộ Y tế nước này, các trung tâm xét nghiệm cũng sẽ được lập tại nhiều khu vực trung tâm Tokyo và tỉnh Osaka, chủ yếu nhắm đến những hành khách rời Nhật Bản. Trong ngày 2-7, Tokyo ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong 2 tháng vừa qua tại thành phố 14 triệu dân này. 

Ấn Độ ghi nhận 627.168 trường hợp nhiễm, trong khi số ca tử vong cũng lên tới 18.225 ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 21.918 ca nhiễm mới và 377 ca tử vong. Ấn Độ đã bước vào giai đoạn nới lỏng phong tỏa thứ hai, tiếp tục áp đặt hạn chế tại các khu vực có trường hợp nhiễm.

Tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là điểm nóng về dịch, khi đã ghi nhận thêm 1.624 trường hợp nhiễm bệnh - số ca nhiễm theo ngày cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3. Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong. 

Nguồn: Hoàng Linh/ Hanoimoi.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC