"Lý do từ Myanmar đến Ấn Độ là tôi không muốn phục vụ dưới chính quyền quân sự nữa", một cảnh sát giấu tên hôm 12/3 cho hay. "Lý do thứ hai là nếu tôi từ bỏ quân đội và tham gia cùng mọi người, tôi tin chúng tôi có thể thắng trong cuộc chiến chống quân đội".
Theo cảnh sát này, giới chức đang "đánh đập hoặc tra tấn theo ý muốn của họ". "Tôi đã chứng kiến cảnh sát bắt những người họ thấy, thậm chí cả những người không tham gia biểu tình, chỉ đứng bên ngoài để xem hoặc chụp ảnh", anh nói thêm.
Cảnh sát và người biểu tình Myanmar đối mặt ở thủ đô Naypyidaw hôm 8/3. Ảnh: AFP.
Tính đến 12/3, 264 người, gồm 198 cảnh sát và các thành viên gia đình họ, đang ở Mizoram, đông bắc Ấn Độ. Nguồn tin an ninh cho biết, giới chức Ấn Độ đã trả về 8 trong số những người vượt biên, động thái diễn ra sau khi chính quyền Myanmar gửi thư yêu cầu trao trả 8 cảnh sát vì "mối quan hệ hữu nghị hai nước".
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính đầu tháng trước. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 70 người đã chết và hơn 2.000 người bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính.
Kể từ đó, dòng người ngày càng đông, gồm nhiều cảnh sát từ chối tham gia đối phó biểu tình, đã vượt biên sang Ấn Độ. Một quan chức địa phương ở Mizoram tuần này cho biết hàng chục người Myanmar đang chờ ở biên giới để được vào Ấn Độ.
Ấn Độ và Myanmar có chung đường biên giới trên bộ dài 1.643 km. Ấn Độ cũng là nơi sinh sống của hàng nghìn người tị nạn Myanmar, gồm người dân tộc Chin và người Rohingya. Quân đội và cảnh sát Ấn Độ được lệnh tăng cường tuần tra ở khu vực biên giới với Myanmar để ngăn người vượt biên.
Huyền Lê (Theo AFP)
Nguồn: vnexpress.net