Người bị bắt hôm 11/2 là Kyaw Tint Swe, từng là chủ nhiệm văn phòng cố vấn nhà nước dưới thời bà Aung San Suu Kyi, Reuters cho hay. Bà đã bị giam giữ mà không rõ tung tích kể từ vụ chính biến hôm 1/2.
Kyi Toe, thành viên ủy ban thông tin đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, cho biết ông Kyaw Tint Swe và bốn người khác có liên hệ với chính phủ trước đã bị đưa đi khỏi nhà trong đêm. Lãnh đạo cao nhất của ủy ban bầu cử cũ cũng bị bắt.
Một người biểu tình ở Yangon, Myanmar, hôm 10/2. Ảnh: Reuters.
Quân đội đã tiến hành vụ chính biến sau khi cáo buộc NLD giành chiến thắng nhờ gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ những tuyên bố đó.
Hôm 11/2, người dân trên khắp đất nước đã xuống đường biểu tình ngày thứ sáu liên tiếp.
Các cuộc biểu tình đã làm sống lại ký ức về gần nửa thế kỷ quân đội trực tiếp điều hành đất nước với những cuộc đàn áp đẫm máu, cho đến khi các tướng lĩnh bắt đầu từ bỏ một số quyền lực vào năm 2011.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/2 đã thông qua sắc lệnh hành pháp về các biện pháp trừng phạt mới đối với những người đứng sau vụ binh biến. Ông đồng thời tái yêu cầu các tướng lĩnh Myanmar từ bỏ quyền lực và trả tự do cho các lãnh đạo dân sự.
Washington có khả năng nhắm vào Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và các tướng lĩnh hàng đầu khác. Họ đã bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2019 vì đàn áp người Rohingya theo đạo Hồi và các sắc dân thiểu số khác tại Myanmar.
Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc ngày 11/2 sẽ xem xét một nghị quyết do Anh và Liên minh châu Âu soạn thảo để lên án vụ chính biến và yêu cầu cho các giám sát viên quốc tế vào cuộc khẩn cấp.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc và Nga khả năng lớn sẽ phản đối hoặc cố gắng làm giảm mức độ tác động của nghị quyết.
Nguồn: Zing