Hãng dược Pfizer chọn Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee cho chương trình thử nghiệm tiêm chủng COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Pfizer cho biết hãng đã chọn Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee cho chương trình thử nghiệm vì sự khác nhau giữa các tiểu bang này về độ lớn, mật độ dân số và cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc tiêm chủng. Ngoài ra cả bốn bang trên cũng có dân cư đa dạng ở cả thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên Pfizer lưu ý rằng "bốn tiểu bang nằm trong chương trình thử nghiệm sẽ không nhận được vắc xin sớm hơn các bang khác nhờ chương trình thí điểm này, cũng như không nhận được bất cứ cân nhắc khác biệt nào".
Trước đây một tuần, Pfizer đã tung ra số liệu ban đầu cho thấy loại vắc xin do hãng phối hợp cùng đối tác BioNTech đến từ Đức có hiện quả đến hơn 90%.
Dù vậy nhiều chuyên gia lo ngại việc phân phối vắc xin của Pfizer sẽ đối mặt với thách thức vì yêu cầu bảo quản đặc biệt của hãng. Loại vắc xin này đòi hỏi được vận chuyển và lưu trữ ở nhiệt độ -70 độ C, thấp hơn rất nhiều so với mức nhiệu tiêu chuẩn 2-8 độ C dành cho các loại vắc xin khác.
"Chúng tôi hi vọng kết quả từ thử nghiệm vận chuyển vắc xin này sẽ trở thành kiểu mẫu cho các tiểu bang khác tại Mỹ và các chính phủ quốc tế, trong giai đoạn họ chuẩn bị áp dụng chương trình vắc xin COVID-19", Pfizer tuyên bố hôm 16-11.
Cùng ngày hãng dược đối thủ của Pfizer là Moderna cho biết vắc xin đang thử nghiệm của hãng hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa COVID-19, dựa trên dữ liệu sơ bộ từ một thử nghiệm giai đoạn cuối.
Tuyên bố trên đã củng cố hi vọng rằng vắc xin phòng bệnh có thể sớm được đưa vào sử dụng.
Hãng tin Reuters nhận định Mỹ có thể sẽ có 2 vắc xin ngừa COVID-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12 tới, với số liều có thể dùng vào cuối năm nay lên tới 60 triệu liều.
Vắc xin của cả Pfizer và Moderna đều sử dụng công nghệ mới, mang tên tổng hợp thông tin RNA, để kích hoạt hệ thống miễn dịch trước virus SARS-CoV-2.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online