Trong những ngày đầu bùng phát đại dịch ở Vũ Hán, việc xét nghiệm Covid-19 khó khăn tới mức nhiều người so sánh nó với việc trúng xổ số.
Suốt tháng 1, tại thành phố miền Trung Trung Quốc này, hàng nghìn người đã xếp hàng nhiều giờ đồng hồ ở bệnh viện để chờ đến lượt xét nghiệm. Họ thậm chí phải làm việc đó bên cạnh những thi thể nằm ở hành lang.
Thế nhưng, không nhiều trong số đó được xét nghiệm. Trong số ít những người được xét nghiệm, kết quả âm tính giả nhiều lần.
Nút thắt xét nghiệm ban đầu tại Vũ Hán được cho là khiến bệnh dịch lây lan không kiểm soát trong tháng 1. Ảnh: AP.
Công ty nhỏ, hợp đồng lớn
Phóng sự điều tra của hãng tin AP cho thấy việc thiếu hụt xét nghiệm trên diện rộng vào thời điểm đó có thể quy kết cho tính bí mật trong việc đấu thầu và mối quan hệ thân hữu tại cơ quan kiểm soát dịch bệnh hàng đầu Trung Quốc.
Sự yếu kém của công tác xét nghiệm trong giai đoạn này cản trở các nhà khoa học cũng như giới chức trong việc đánh giá đúng tốc độ lây lan của virus, qua đó khiến tình hình trầm trọng hơn.
Báo cáo trước đó của AP cũng cho thấy các nhà lãnh đạo của địa phương đã trì hoãn việc cảnh báo về mức độ lây lan của dịch bệnh với công chúng, cũng như không cung cấp thông tin kịp thời cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
AP cho rằng cả hai sai lầm này vào tháng 1 tạo điều kiện cho virus lây lan ở Vũ Hán và khắp thế giới mà không bị phát hiện, khởi nguồn cho đại dịch hiện đã khiến 64 triệu người nhiễm bệnh và 1,5 triệu người thiệt mạng.
Báo cáo lần này cho thấy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) đã trao quyền thiết kế bộ xét nghiệm và phân phối độc quyền cho 3 công ty ở Thượng Hải. Điều đáng nói là cả 3 công ty này đều có liên hệ tới các quan chức của CDC Trung Quốc.
Các thỏa thuận này được cho là diễn ra trong văn hóa “đi cửa sau” vốn phát triển mạnh mẽ ở hệ thống y tế công cộng thiếu thốn của Trung Quốc.
Để thực hiện phóng sự này, AP đã phỏng vấn hơn 40 bác sĩ, nhân viên CDC Trung Quốc, chuyên gia y tế và những người trong ngành, cũng như tiếp cận hàng trăm tài liệu nội bộ, hợp đồng, tin nhắn và email mà hãng thu được.
Theo điều tra, các công ty GeneoDx Biotech, Huirui Biotechnology và BioGerm Medical Technology – đều có trụ sở ở Thượng Hải – đã trả tiền của CCDC để đổi lấy thông tin và quyền phân phối kit xét nghiệm. Theo hai người biết đến sự tồn tại của các giao dịch này, mỗi công ty đã phải trả 1 triệu nhân dân tệ (146.600 USD). Hiện chưa rõ số tiền này sau đó thuộc về cá nhân hay tổ chức nào.
Cùng lúc, CDC Trung Quốc và cơ quan chủ quản là Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) đã tìm cách cản trở các nhà khoa học và tổ chức trong việc phát triển và sử dụng các bộ xét nghiệm khác.
BioGerm, công ty mới thành lập cách đây 3 năm, là một trong 3 đơn vị được trao quyền sản xuất và phân phối độc quyền kit xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AP.
Không giống như cách đã làm với 2 đại dịch trước đó, NHC yêu cầu các bệnh viện ở Vũ Hán chỉ gửi các mẫu virus đến phòng thí nghiệm nhà nước thuộc sự quản lý của họ. NHC cũng khiến cho việc xét nghiệm Covid-19 trở nên phức tạp hơn, và chỉ xác nhận các bộ xét nghiệm do 3 công ty đến Thượng Hải sản xuất.
Những sai lầm này khiến cho trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 17/1, không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận, mặc dù dữ liệu sau này cho thấy có thể hàng trăm người đã mắc Covid-19 trong thời gian này.
Sự tạm lắng này khiến cho giới chức chậm tiến hành các biện pháp sớm như cảnh báo công chúng, cấm tụ tập đông người và hạn chế đi lại. Một nghiên cứu ước tính chỉ cần can thiệp sớm 2 tuần, số ca nhiễm ở Vũ Hán có thể giảm 86%. Mặc dù vậy không chắc rằng hành động sớm có thể ngăn chặn sự lây lan của virus trên toàn cầu hay không.
“Rất ít bộ xét nghiệm”
Khi 3 công ty nói trên sản xuất xong kit xét nghiệm, nhiều bộ không hoạt động, cho kết quả không xác định hoặc âm tính giả. Các bệnh viện cũng lưỡng lự trong việc sử dụng các bộ xét nghiệm khác chính xác hơn, được sản xuất bởi các công ty lâu đời hơn, vì CDC Trung Quốc không xác nhận kết quả của chúng.
Vì có ít bộ xét nghiệm và nhiều trong số đó bị lỗi, tính đến ngày 31/1 chỉ có 19 người ở Vũ Hán được xác nhận dương tính với virus, theo ước tính của Imperial College London. Những người khác không được xét nghiệm hoặc âm tính giả đã được gửi về nhà, nơi họ sẽ lây virus cho những người khác.
Vài ngày sau khi bắt đầu bị ho hôm 23/1, Peng Yi, một giáo viên 39 tuổi, đã phải chờ 8 giờ để làm xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh chụp CT cho thấy phổi anh có dấu hiệu nhiễm virus, nhưng vì không được làm xét nghiệm nên anh không thể nhập viện.
Cuối cùng, Peng cũng được xét nghiệm vào ngày 31/1, nhưng kết quả là âm tính. Mặc dù vậy anh vẫn sốt liên tục, và gia đình của Peng chỉ còn biết cầu xin bệnh viện cho làm thêm một xét nghiệm khác.
Xét nghiệm lần thứ 2 hôm 4/2 cho kết quả dương tính. Nhưng lúc đó đã là quá muộn, anh Peng qua đời chỉ vài tuần sau.
“Có rất ít kit xét nghiệm, về cơ bản là không có… nếu bạn không có xét nghiệm dương tính, bạn sẽ không thể nhập viện”, bà Zhong Hanneng, mẹ của anh Peng cho biết trong một cuộc phỏng vấn đầy nước mắt vào tháng 10.
“Bác sĩ nói rằng không thể làm gì được”, người mẹ nói thêm.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn trong công tác thử nghiệm. Tại Mỹ, CDC từ chối sử dụng thiết kế của WHO, khăng khăng phát triển bộ kit xét nghiệm của riêng họ. Thiết kế này hóa ra bị lỗi và dẫn đến nút thắt cổ chai còn lớn hơn ở Trung Quốc.
Các quốc gia khác cũng có lợi thế khi được học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, còn nước này thì phải vật lộn với một mầm bệnh mới. Cũng phải nói rằng khi đó không ai có thể dự đoán về mức độ lây lan của virus, hoặc cần bao nhiêu xét nghiệm để kiểm soát dịch.
“Lúc đó là quá sớm”, bà Jane Duckett, giáo sư tại Đại học Glasgow, người nghiên cứu về phản ứng của Trung Quốc với đại dịch, nhận định.
Tuy nhiên, những trục trặc và chậm trễ ở Trung Quốc đã khuếch đại vấn đề vì đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra virus.
“Bởi vì bạn chỉ có 3 công ty cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm, nên năng lực xét nghiệm rất hạn chế”, ông Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định. CFR là một viện chính sách có trụ sở ở New York, nhận định.
“Đó là một vấn đề lớn dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh và các trường hợp tử vong”, ông Huang nói thêm.
Bà Zhong Hanneng bên cạnh di ảnh của con trai Peng Yi, người đã thiệt mạng vì Covid-19 ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
Bộ Ngoại giao và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc không trả lời các câu hỏi của AP.
“Chúng tôi đã làm việc một cách xuất sắc, chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Thật không may, thật không may là loại virus mà chúng tôi phải đối mặt, nó rất đặc biệt”, ông Gao Fu, người đứng đầu CDC Trung Quốc, phát biểu hồi tháng 7.
Cả 3 công ty Thượng Hải được nhận gói thầu sản xuất và phân phối kit xét nghiệm Covid-19 đều không phải là những cái tên nổi tiếng. Một kỹ sư đến từ một công ty y sinh ở Vũ Hán cho biết các công ty Thượng Hải xuất hiện một cách đầy bất ngờ, trong khi công ty của anh – có nhà máy và chuyên môn đủ để sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm tại Vũ Hán – thì lại không được chấp thuận.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên, nó rất kỳ lạ. Chúng tôi hoàn toàn chưa từng nghe về họ, và rồi đột nhiên có quy định rằng bạn chỉ được sử dụng bộ xét nghiệm từ một số công ty nhất định, và không được dùng của các công ty khác?”, kỹ sư này chia sẻ.
BioGerm Medical Technology mới chỉ được thành lập cách đây 3 năm. GeneoDx thì có ít hơn 100 nhân viên.
Quan hệ cá nhân với giới chức
Tuy vậy, dù không đủ nguồn lực hay kinh nghiệm, các công ty này lại có đủ các mối quan hệ.
Các bài đăng của công ty, cùng với hàng trăm email và tài liệu nội bộ mà AP tiếp cận được, cho thấy 3 công ty này có mối quan hệ sâu rộng với các nhà nghiên cứu hàng đầu của CDC Trung Quốc ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
Theo 7 giám đốc điều hành của các công ty y sinh khác, các công ty y tế nước này thường dựa vào mối quan hệ cá nhân để làm ăn.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chính phủ đã mạnh tay trấn áp tham nhũng, như chuyên gia trong ngành cho rằng việc thiếu ranh giới rõ ràng giữa nhà nước và tư nhân trong hệ thống y tế của Trung Quốc có thể tạo ra cơ hội để tham nhũng xảy ra.
Hướng dẫn của CDC Trung Quốc nêu rõ cơ quan này có trách nhiệm duy trì nguồn dự trữ các hóa chất xét nghiệm để sàng lọc các mầm bệnh hiếm gặp, nhưng không nói rõ cách thức mua bán.
Ngân sách dành cho CDC Trung Quốc đã đình trệ trong những năm gần đây, và các nhà nghiên cứu làm việc ở đây có lương thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân. Nhiều nhân viên đã rời bỏ công việc để sang khu vực tư nhân trong thập kỷ qua, làm cạn kiệt nguồn nhân lực trong phòng thí nghiệm.
Những hợp đồng béo bở
Trong số những người ra đi có nhà sáng lập BioGerm, bà Zhao Baihui, cựu kỹ thuật viên trưởng của phòng thí nghiệm vi sinh CDC Thượng Hải. Điều tra của AP cho thấy bà Zhao thành lập công ty tiền thân của BioGerm vào năm 2012, trong khi vẫn làm việc ở CDC Thượng Hải.
Bà Zhao Bahui, CEO của BioGerm, từng là một nhân viên của CDC trước khi ra ngoài mở công ty và nhận được những hợp đồng béo bở. Ảnh: AP.
Trong 5 năm tiếp theo, bà Zhao đã bán số dụng cụ xét nghiệm trị giá hàng nghìn USD cho chính cơ quan mình làm việc, thông qua một người trung gian khác, ngay cả khi bà phụ trách mua hàng và trả lời email nội bộ.
Sau khi rời CDC năm 2017, bà Zhan tiếp tục có các hợp đồng béo bở với các công ty nhà nước, chẳng hạn như một hợp đồng trị giá 400.000 nhân dân tệ (60.000 USD) với các quan chức hải quan Thượng Hải, nơi chồng bà làm việc.
Một cái tên khác trong số 3 công ty nói trên là GeneoDx, được hưởng quyền truy cập đặc biệt vì nó là công ty con của tập đoàn nhà nước SinoPharm do chính phủ trực tiếp quản lý. Trước khi đại dịch bùng phát, GeneoDx chủ yếu nhập khẩu bộ dụng cụ và mua lại công nghệ từ nước ngoài để mở rộng kinh doanh thay vì phát triển sản phẩm của riêng họ.
Vào tháng 10/2019, công ty này đồng tổ chức một sự kiện đào tạo nội bộ của CDC Trung Quốc về các bệnh hô hấp mới nổi, được tổ chức ở Thượng Hải. Tan Wenjie, quan chức CDC điều hành khóa học, sau đó được giao phụ trách phát triển bộ kit xét nghiệm. Đến tháng 11, công ty giành được hợp đồng bán bộ dụng cụ xét nghiệm trị giá 900.000 nhân dân tệ (137.000 USD), cho viện nghiên cứu của Tan.
Cũng tham dự sự kiện trên còn có BioGerm. Cũng như các công ty khác, BioGerm sử dụng sự kiện này để quảng bá sản phẩm của họ. Nhân viên CDC Trung Quốc được mời tham gia một nhóm trên ứng dụng nhắn tin WeChat, và CEO của công ty sau đó đã sử dụng nhóm chat này để rao bán bộ xét nghiệm virus corona.
Công ty cuối cùng Huirui là đối tác lâu năm với ông Tan, vị quan chức CDC Trung Quốc phụ trách phát triển kit xét nghiệm. Người sáng lập Huirui, ông Li Hui, là đồng tác giả với ông Tan trong một bài báo khoa học về các xét nghiệm virus dòng corona vào năm 2012.
Trả lời AP, ông Li cho biết CDC thường ký hợp đồng với Huirui để sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm khẩn cấp. Phòng thí nghiệm của ông Tan đã liên hệ với Huirui vào ngày 4 hoặc 5/1 để tạo hóa chất xét nghiệm Covid-19 dựa trên thiết kế của CDC Trung Quốc. Ông Li phủ nhận bất cứ mối quan hệ cá nhân nào với Tan, hay bất cứ khoản thanh toán nào cho CDC.
“Chúng tôi đã làm việc với CDC để ứng phó với những bệnh dịch mới xuất hiện trong vòng 10 năm, không chỉ trong một hai ngày, đó là điều bình thường”, ông Li nói.
Động thái bất thường
Trong các cuộc đánh giá bí mật về các bộ xét nghiệm, CDC Trung Quốc cũng chỉ chấp nhận những bộ xét nghiệm từ ba công ty Thượng Hải mà họ đã “chuyển giao” bộ gen và thiết kế xét nghiệm Covid-19.
Bước đầu tiên trong quá trình chế tạo kit xét nghiệm Covid-19 là lấy mẫu virus và giải mã trình tự gen của nó. Điều này dẫn đến các thiết kế thử nghiệm, về cơ bản là công thức cho các thử nghiệm.
Gian hàng của Công ty sản xuất bộ xét nghiệm BioGerm, Thượng Hải ở một hội chợ thương mại ở Nam Xương, Giang Tây, miền đông Trung Quốc vào ngày 21/8. Ảnh: AP.
Trong quá khứ, ví dụ như với H7N9 vào năm 2013, CDC Trung Quốc đã gửi thiết kế thử nghiệm đến các phòng thí nghiệm trên toàn quốc chỉ vài ngày sau khi xác định được mầm bệnh. Họ cũng gửi kèm theo các hợp chất cần thiết, thực tế chính là các thành phần, để các bệnh viện và chi nhánh CDC có thể tự trộn và tạo ra các bộ dụng cụ xét nghiệm của riêng họ càng sớm càng tốt.
Lúc đầu, có vẻ như CDC Trung Quốc đang sử dụng lại cách thức này. CDC đã tìm ra bản đồ gen của virus vào ngày 3/1. Đến ngày hôm sau, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo CDC, Trung tâm Công nghệ Khẩn cấp tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh đã đưa ra các thiết kế thử nghiệm.
Nhưng lần này, chính phủ Trung Quốc giữ lại thông tin về bộ gen và thiết kế thử nghiệm. Thay vào đó, CDC Trung Quốc đã hoàn tất các thỏa thuận “chuyển giao công nghệ” để đưa các thiết kế thử nghiệm cho ba công ty ở Thượng Hải – bốn người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Quá trình đấu thầu đã được giữ bí mật.
CDC không có thẩm quyền ngăn cản các nhà khoa học khác cùng các đơn vị và công ty cạnh tranh “đi cửa sau” để lấy được mẫu và đưa ra công thức thử nghiệm của riêng họ. Nhưng họ đã cố gắng ngăn cản những nỗ lực đó và ngừng việc xét nghiệm.
Ví dụ, tiến sĩ Shi Zhengli, một chuyên gia nổi tiếng về Covid-19 tại Viện Virus học Vũ Hán, đã tự mình lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, tìm ra bộ gen của chúng và đưa ra một xét nghiệm vào ngày 3/1, theo một bài thuyết trình của cô vào tháng 3. Nhưng phòng thí nghiệm của cô thuộc thẩm quyền quản lý của một đơn vị cạnh tranh với CDC là Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. CDC cấm cô lấy thêm mẫu và xét nghiệm cho các trường hợp.
Zhao Baihui, ở giữa bên phải, Giám đốc điều hành BioGerm, bắt tay sau khi ký thỏa thuận hợp tác trong một sự kiện của công ty tại hội chợ thương mại ở Nam Xương, Giang Tây, miền Đông Trung Quốc vào ngày 22/8. Ảnh: AP.
“Không có cơ chế hợp tác cởi mở nào”, một chuyên gia y tế công cộng giấu tên thường làm việc với CDC Trung Quốc nói. “Ai cũng muốn chơi trên sân nhà của họ”.
Các nhân viên CDC địa phương được thông báo thay vì tự xét nghiệm và ghi nhận các ca bệnh, họ phải gửi mẫu bệnh phẩm đến các phòng thí nghiệm được chỉ định ở Bắc Kinh để giải trình tự đầy đủ. Đây là một thủ tục phức tạp và tốn thời gian. Nếu không, các trường hợp sẽ không được tính vào tổng số ca nhiễm của cả nước.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm CDC giấu tên cho biết: “Điều đó hoàn toàn bất thường. Họ chỉ làm cho chúng tôi khó báo cáo bất kỳ trường hợp dương tính nào đã xác nhận”.
Trong các cuộc đánh giá bí mật về các kit xét nghiệm vào ngày 10/1, CDC cũng chỉ chấp nhận những bộ test từ ba công ty ở Thượng Hải, theo các thông tin nội bộ mà AP có được.
Trung Quốc cuối cùng đã công khai bộ gen của virus vào ngày 12/1, một ngày sau khi một nhóm khác công bố bộ gen tuy không được phép. Điều đó đã mở ra cánh cửa cho nhiều công ty sản xuất bộ xét nghiệm của riêng họ. Tuy nhiên, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia, vẫn kêu gọi nhân viên y tế mua các bộ xét nghiệm từ Huirui, BioGerm và GeneoDx mà CDC đã xác nhận, theo thông tin nội bộ của AP.
Theo một bài đăng của CDC vào ngày 13/1, việc đánh giá và lựa chọn các bộ dụng cụ xét nghiệm được thực hiện với sự đánh giá và chỉ đạo của quan chức y tế hàng đầu Trung Quốc, Ma Xiaowei.
Vào ngày 14/1, ông Ma đã tổ chức một cuộc họp nội bộ từ xa yêu cầu bí mật chuẩn bị đối phó với đại dịch, như AP đã đưa tin trước đây. Sau đó, các cơ quan y tế Trung Quốc đã nới lỏng yêu cầu xác nhận các trường hợp mới và bắt đầu phân phối các bộ xét nghiệm do CDC chấp nhận. BioGerm bắt đầu nhận đơn đặt hàng từ các nhân viên CDC địa phương trên toàn quốc qua WeChat.
“Chúng tôi đã được CDC trung ương ủy thác phân phối các bộ xét nghiệm”, Zhao Baihui, cựu kỹ thuật viên trưởng của phòng thí nghiệm vi sinh thuộc CDC Thượng Hải, cho biết, theo ảnh chụp màn hình từ một cuộc chat nhóm mà AP thu được.
“Cung cấp cho tôi đi. Nhanh lên!”, một nhân viên CDC Tứ Xuyên nói.
Nhưng các bộ xét nghiệm của GeneoDx liên tục cho ra kết quả không chính xác, một kỹ thuật viên CDC nói với AP, và cuối cùng cấp trên của cô đã yêu cầu bỏ chúng đi. Các bộ dụng cụ của Huirui cũng không đáng tin cậy và những bộ duy nhất hoạt động ổn định là từ BioGerm, cô cho biết.
Bộ dụng cụ xét nghiệm của BioGerm đáng tin cậy hơn một phần vì chúng sử dụng hóa chất từ Invitrogen, một công ty con của Tập đoàn công nghệ sinh học khổng lồ Thermo Fisher của Mỹ. Huirui và GeneoDx đã sử dụng hỗn hợp của riêng họ, cho ra kết quả kém tin cậy hơn.
Các đối thủ cạnh tranh lớn hơn, bao gồm cả BGI và Tianlong, những “người khổng lồ” về di truyền học của Trung Quốc, đã phát triển bộ xét nghiệm của riêng họ vào tháng 1, sau đó được cho là hiệu quả hơn hẳn so với bộ dụng cụ của các công ty Thượng Hải. Nhưng những bộ dụng cụ xét nghiệm đó không được CDC Trung Quốc xác nhận.
“Không có quy trình kiểm tra, không có mồi và thiết bị thăm dò, tất nhiên là không có cách nào để xác nhận các ca bệnh”, một nhân viên giấu tên khác của CDC Trung Quốc nói. “Và sau đó, đột nhiên, bạn nói với tất cả các chi nhánh CDC rằng: hãy mua hàng từ những công ty này, mua ngay đi. Điều đó gây ra hỗn loạn và thiếu hụt, lãng phí nhiều thời gian quý giá”.
Chen Weijun, trưởng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm của BGI, cũng cho biết các sản phẩm ban đầu do CDC Trung Quốc khuyến nghị sử dụng thực sự “có vấn đề về chất lượng”. Khi được hỏi tại sao CDC Trung Quốc lại chọn ba công ty ở Thượng Hải, Chen ngập ngừng. “Tốt hơn hết bạn nên hỏi CDC câu hỏi này”.
Âm thầm xóa tên
Một ngày sau khi bộ kít xét nghiệm đầu tiên cuối cùng cũng đến Vũ Hán vào ngày 16/1, số ca dương tính bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, bộ kit xét nghiệm vẫn rất khan hiếm. Một số thành phố khác trong cùng tỉnh vẫn chưa nhận được bộ dụng cụ cho đến ngày 22/1 và thậm chí những bộ kit có rất nhiều sai sót.
Một nghiên cứu của các bác sĩ Thâm Quyến cho thấy những mẫu từ 213 bệnh nhân vào tháng 2 sử dụng xét nghiệm GeneoDx cho thấy tỷ lệ âm tính giả là hơn 30%. Một báo cáo thí nghiệm lâm sàng vào tháng 3 cho thấy trong số các bộ xét nghiệm được chứng nhận vào thời điểm đó, GeneoDx có hiệu suất kém nhất, tiếp theo là BioGerm. Nhìn chung, tỷ lệ âm tính giả đối với các xét nghiệm Covid-19 rất khác nhau, từ 2% đến hơn 37%.
Ông Philippe Klein, một bác sĩ Pháp điều trị cho các bệnh nhân nước ngoài ở Vũ Hán trong thời gian bùng phát dịch, ước tính 20% các xét nghiệm cho kết quả âm tính giả. Tuy nhiên, ông nói sự chậm trễ trong việc sản xuất các bộ xét nghiệm chính xác là điều khó tránh khỏi ở thời gian đầu bùng phát dịch.
Bác sĩ Klein nói: “Người Trung Quốc đã đạt được nhiều kết quả trong một thời gian ngắn. Đó là một dịch bệnh mới, vì vậy ban đầu, tất nhiên là thiếu các bộ xét nghiệm”.
Vào ngày 22/1, Ủy ban Y tế Quốc gia đã lặng lẽ xóa tên của ba công ty ở Thượng Hải khỏi hướng dẫn về virus corona với vai trò những nhà phân phối ưu tiên. Sau khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh đóng cửa Vũ Hán vào ngày 23/1, ba công ty đã phải đối mặt với những trở ngại lớn về hậu cần trong hoạt động xét nghiệm.
Vào ngày 26/1, giới chức đã thiết lập một “kênh xanh” xử lý nhanh để các công ty xét duyệt bộ xét nghiệm. Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia đã phê duyệt các bộ xét nghiệm từ 7 công ty, bao gồm BioGerm và GeneoDx nhưng không có Huirui. Ông Li, Giám đốc điều hành của Huirui, cho biết đó là do công ty của ông thiếu kinh nghiệm trong việc xin phê duyệt theo quy định cho các bộ xét nghiệm thương mại.
Tuy nhiên, các công ty cũng cần thời gian để tăng cường sản xuất và vận chuyển các dụng cụ xét nghiệm. Điều dó khiến Vũ Hán phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu bùng nổ vào đầu tháng 2, đồng thời nhiều cư dân cũng mất cơ hội điều trị.
Peng qua đời vào ngày 19/2. Người mẹ”đầu bạc tiễn con đầu xanh” tới nay vẫn ngày ngày thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ, thổn thức và thắp nến tưởng nhớ con.
“Đối với gia đình tôi, Peng là bầu trời, là tất cả”, bà Zhong ngậm ngùi chia sẻ về người con trai đã khuất. “Nếu không có Peng, chúng tôi không bao giờ có thể tìm lại được hạnh phúc”.
Bà Zhong vẫn chưa nguôi đau buồn vì cái chết của con trai. Ảnh: AP.
Cùng một đại dịch giết chết Peng đã mang lại danh tiếng và thu nhập lớn cho các công ty sản xuất dụng cụ thử nghiệm Thượng Hải và tiếng vang cho các nhà khoa học.
Vào tháng 9, Tan, nhà nghiên cứu của CDC Trung Quốc phụ trách phát triển các bộ xét nghiệm, được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của Trung tâm Quốc gia Virus Corona chủng mới. Trong một buổi lễ được phát sóng truyền hình quốc gia, công ty mẹ của GeneoDx đã có được những lời khen ngợi từ Chủ tịch Tập Cận Bình vì những đóng góp “xuất sắc” trong cuộc đấu tranh chống lại Covid-19, bao gồm cả việc phát triển một bộ xét nghiệm.
Huirui đã mở rộng và đang bán các bộ xét nghiệm thương mại không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở châu Mỹ Latinh, CEO Li cho biết. Và đại dịch đã giúp BioGerm “nổi lên”, đạt được các mục tiêu kinh doanh nhanh hơn nhiều so với kế hoạch, Giám đốc Tiếp thị BioGerm Guo Xiaoling cho biết tại triển lãm thương mại vào cuối tháng 8 tại một khách sạn năm sao.
Ông Guo nói: “Vì dịch bệnh, năm 2020 là một năm thực sự đặc biệt. Đất nước và nền kinh tế bị thiệt hại lớn. Nhưng đối với ngành công nghiệp chẩn đoán axit nucleic của chúng tôi, năm nay thực sự bùng nổ”.
Nguồn: Zing