Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
NATO với cơ chế "2 bậc"
Truyền thông Mỹ dẫn nguồn thạo tin ngày 11/4 cho biết, cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, được cho là đã lên kế hoạch chia các nước NATO thành "2 bậc" tùy thuộc vào chi tiêu quốc phòng của từng quốc gia.
Nguồn tin cho biết, qua các cuộc trao đổi, nhiều đại sứ châu Âu nắm được thông tin rằng, ông Trump muốn thúc đẩy ý tưởng một "NATO 2 bậc". Theo đó, nhóm thành viên chi tiêu quốc phòng dưới 2% GDP sẽ không được bảo vệ theo Điều 5 về phòng thủ tập thể.
Điều khoản 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công hay đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của khối sẽ bị coi là tấn công hay đe dọa toàn liên minh. Khi đó, NATO có quyền tiến hành các biện pháp tập thể để ngăn chặn mối đe dọa hoặc đáp trả cuộc tấn công.
NATO là liên minh quân sự gồm 32 thành viên do Mỹ dẫn dắt. Các thành viên đã nhất trí chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, tuy nhiên ước tính của NATO cho thấy chỉ có 11 thành viên chi đúng mức này.
Khi còn đương chức, ông Trump từng nhiều lần phàn nàn việc Mỹ phải gánh chi phí cho các thành viên NATO. Ông thậm chí từng cảnh báo rút Mỹ khỏi liên minh này.
Hồi đầu năm nay, ông Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội địa châu Âu, cho biết ông Trump từng nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 1/2020 rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ nếu châu Âu bị tấn công.
"Các vị cần hiểu rằng, nếu châu Âu bị tấn công, chúng tôi sẽ không bao giờ đến để giúp các vị, hỗ trợ các vị", ông Breton trích lại tuyên bố của ông Trump khi còn là đương chức.
Khi đó, ông Trump còn nói: "NATO đã chết, chúng tôi sẽ rút khỏi NATO. Các vị còn nợ chúng tôi 400 tỷ USD vì các vị đã không chi trả những khoản cần thiết cho quốc phòng, đặc biệt là Đức".
Trong một sự kiện vận động tranh cử hồi tháng 2, ông Trump cũng từng gây tranh cãi với phát ngôn Nga có thể "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với nước nào "không trả đúng hạn" các khoản đóng góp tài chính và quân sự của NATO.
Về xung đột Nga - Ukraine
Về kế hoạch của ông Trump đối với cuộc xung đột ở Ukraine, một số nhà ngoại giao châu Âu nghe ngóng được rằng, cựu chủ nhân Nhà Trắng muốn đưa Moscow và Kiev vào bàn đàm phán, thúc đẩy họ đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Theo nguồn tin, nếu ông Trump tái đắc cử, ông ấy nhiều khả năng sẽ liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngay sau khi giành chiến thắng hoặc vào ngày nhậm chức.
Ông Trump có thể dùng viện trợ quân sự của Mỹ làm công cụ để gây sức ép với Ukraine.
"Nếu Ukraine muốn tiếp tục viện trợ thì họ phải ngồi lại và đàm phán, và nếu Nga không muốn chúng tôi cung cấp số lượng lớn hỗ trợ mới cho Ukraine thì họ phải ngồi xuống và đàm phán. Điều đó không có nghĩa là nhượng bộ Ukraine hay nhượng bộ tất cả những đề nghị của Nga", nguồn tin giải thích.
Washington Post tuần trước dẫn nguồn tin ẩn danh nói rằng ông Trump đang ấp ủ kế hoạch gây sức ép buộc Ukraine nhượng bộ một phần lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Theo kế hoạch này, Ukraine có thể phải từ bỏ bán đảo Crimea, vùng Donbass để đổi lấy thỏa thuận chấm dứt xung đột với Nga.
Đại diện của ông Trump sau đó đã bác bỏ thông tin của Washington Post.
Theo Pravda
Nguồn: Báo điện tử Dân trí