Đề xuất tổ chức điều tra độc lập nguồn gốc dịch Covid-19 của Australia cho tới nay đã nhận được sự ủng hộ của tổng cộng 116 nước.

42 1 Hon 100 Nuoc Ung Ho De Xuat Dieu Tra Doc Lap Nguon Goc Covid 19

Hơn 100 nước ủng hộ đề xuất điều tra độc lập nguồn gốc Covid-19 của Australia (Ảnh minh họa).

Việc Australia kêu gọi điều tra về đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trước đó đã nhận được sự tán đồng của 62 nước, bao gồm 27 nước Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Indonesia, Mexico, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ...

Theo cập nhật mới nhất trên tờ Daily Telegraph của Úc, đề xuất này đã ghi nhận thêm sự ủng hộ của 54 nước châu Phi, nâng tổng số quốc gia ủng hộ cuộc điều tra độc lập này lên 116 nước.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh toàn bộ 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tham gia phiên làm việc Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 73 vào ngày 18/5 (giờ địa phương). Việc biểu quyết đối với dự thảo kêu gọi điều tra dự kiến diễn ra vào sáng 19/5.

Cụ thể, dự thảo yêu cầu Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hợp tác với Tổ chức Thú y thế giới để thực hiện các nhiệm vụ "khoa học và hợp tác" nhằm xác định nguồn gốc động vật của SARS-CoV-2 và con đường lây lan sang người, bao gồm cả vai trò của vật chủ trung gian.

Dự thảo cũng yêu cầu các quốc gia cung cấp thông tin y tế công cộng kịp thời, chính xác, đầy đủ và chi tiết liên quan đến đại dịch Covid-19 theo yêu cầu của các quy định y tế quốc tế.

Dự thảo kêu gọi đánh giá toàn diện, độc lập và công bằng về phản ứng của quốc tế trước đại dịch, tuy nhiên không đề cập cụ thể tới Trung Quốc hay thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã leo thang căng thẳng sau khi Australia gần đây thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, điều này đã khiến Bắc Kinh nổi giận.

Australia có chung lo ngại với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ứng phó tệ hại với cuộc khủng hoảng Covid-19 và che đậy sự nghiêm trọng của dịch bệnh ở Trung Quốc trước khi nó lan rộng.

Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối và cảnh báo sẽ áp thuế 80% với mặt hàng lúa mạch của Australia đồng thời đe dọa tẩy chay giáo dục, du lịch và hàng hóa của Australia nếu nước này tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19.

Ở động thái liên quan mới nhất, 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia gồm Kilcoy Pastoral, JBS's Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham ngày 13/5 khẳng định nước này sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19 và họ sẽ không thay đổi chính sách vì các động thái “cưỡng ép kinh tế”.

Australia cũng không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc áp thuế 80% đối với lúa mạch.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng nay (18/5), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 4.795.7521 trường hợp, trong đó 316.401 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 1.849.400 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 212 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỹ hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới, với 1.526.136 ca nhiễm và 90.931 trường hợp tử vong.

 

Thanh Tú

Theo Daily Telegraph

Nguồn: vietnamfinance.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC