Tính đến 6h ngày 19-11, toàn thế giới có 56.521.136 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.353.656 trường hợp tử vong và 39.311.329 bệnh nhân đã hồi phục.
Châu Mỹ
Ngày 18-11, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, việc tiêm chủng cho 20% dân số khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD, song các nước có thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ bởi Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX). Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), COVAX đặt mục tiêu triển khai ít nhất 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2021.
Cũng theo PAHO, các quốc gia châu Mỹ đang đứng trước nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ hai khi khu vực này đã ghi nhận gần 1,5 triệu trường hợp mắc bệnh và 19.000 trường hợp tử vong do Covid-19 vào tuần trước.
Ngày 18-11, công ty công nghệ sinh học Pfizer (Mỹ) cho biết, kết quả thử nghiệm cuối cùng vắc xin ngừa vi rút SARS-CoV-2 của hãng này đã cho hiệu quả tới 95% và chưa thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào, ngay cả ở người cao tuổi. Pfizer sẽ xin phép nhà chức trách Mỹ cấp phép lưu hành sản phẩm trong vài ngày tới.
Theo CNN, hàng triệu trẻ em ở Mỹ đã bỏ lỡ các kỳ tiêm chủng định kỳ do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong 2 giai đoạn, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 5 đến tháng 8. Điều này khiến nguy cơ mắc các bệnh như sởi, ho gà và bại liệt tại Mỹ tăng lên.
Châu Âu
Ngày 18-11, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến nghị các bộ xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 nhanh chỉ nên được sử dụng ở những người đã có triệu chứng bệnh, bởi các bộ dụng cụ này kém chính xác hơn trong việc phát hiện vi rút ở những người không có triệu chứng rõ rệt. EC cũng đề nghị các xét nghiệm nhanh chỉ nên được sử dụng trong vòng 5 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng hoặc 7 ngày sau khi có tiếp xúc với các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Hy Lạp cho biết nước này có kế hoạch thành lập hơn 1.000 trung tâm tiêm chủng trong thời gian chờ đợi một loại vắc xin hiệu quả và an toàn để chống lại Covid-19. Hy Lạp đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các trường hợp mắc mới kể từ đầu tháng 10, khiến nước này buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc lần thứ hai.
Ngày 18-11, Nga có thêm 456 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nga cũng ghi nhận thêm 20.985 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 1.991.998 người, cao thứ năm thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp.
Trong ngày 18-11, Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska nhận định, số ca nhiễm mới trong 1 ngày tại nước này đang có xu hướng giảm dần sau khi các biện pháp phòng, chống dịch được tăng cường. Quốc gia này đã cấm các hoạt động tập trung từ 5 người trở lên, đóng cửa các nhà hàng, triển khai hình thức học trực tuyến tại tất cả các trường học…
Theo sắc lệnh của chính phủ Hungary, nước này đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tới đầu tháng 2-2021, trong đó cho phép áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần để hạn chế số ca nhiễm mới và tử vong do dịch bệnh.
Châu Á
Ngày 18-11, Malaysia cho biết đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để cùng hợp tác phát triển một loại vắc xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả. Theo thỏa thuận này, trong vòng 5 năm đầu, Malaysia sẽ được ưu tiên tiếp cận vắc xin do Trung Quốc phát triển. Hai nước cũng sẽ chia sẻ về chuyên môn và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vắc xin ở mỗi nước.
Trong một chuyến đi thị sát tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 tại một trung tâm y tế công cộng ở thành phố Bogor, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông sẵn sàng là một trong những người đầu tiên tiêm vắc xin tại Indonesia, một khi vắc xin được đưa vào sử dụng.
Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nước này cũng đang đẩy nhanh việc mua các loại vắc xin tiềm năng từ một số quốc gia. Indonesia hiện có 478.720 ca mắc Covid-19, trong đó có 15.503 trường hợp tử vong, là một trong những tâm điểm dịch bệnh tại Đông Nam Á.
Châu Phi
Theo số liệu thống kê của Reuters, số ca mắc Covid-19 tại châu Phi đã vượt mốc 2 triệu trường hợp vào ngày 18-11, trong đó, Nam Phi là nước có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất, với hơn 750.000 trường hợp và tỷ lệ tử vong là 2,71%.
Các chuyên gia cho rằng nhiều trường hợp mắc và tử vong do Covid-19 ở châu Phi có khả năng đã bị bỏ sót vì tỷ lệ xét nghiệm ở khu vực này thuộc hàng thấp nhất thế giới. Đến nay, châu Phi đã ghi nhận 48.000 ca tử vong do Covid-19.
Minh Hiếu
Nguồn: hanoimoi.com.vn