Các em nhỏ đang tập thể thao tại một trại hè dành cho trẻ em thừa cân ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AFP, trong nhiều thập niên gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thói quen ăn uống của người dân Trung Quốc cũng đã thay đổi.
Cùng với đó là sự nở rộ của hàng loạt ứng dụng bán đồ ăn online phục vụ 24/24h cho các cư dân đô thị với rất nhiều món ăn giá rẻ, nhiều calorie.
Hệ lụy của thực trạng này là lần đầu tiên, hơn 50% người trưởng thành Trung Quốc đang ở tình trạng thừa cân hoặc béo phì, theo số liệu thống kê công bố hôm nay 23-12 của Ủy ban Y tế quốc gia nước này.
Trong số hơn 50% người trưởng thành thừa cân đó, có 16,4% bị béo phì.
Tỉ lệ này gần như gấp đôi so với 29% người trưởng thành bị xếp vào diện thừa cân hoặc béo phì năm 2002 của Trung Quốc.
Theo ông Wang Dan - chuyên gia dinh dưỡng tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang), nhiều người trưởng thành Trung Quốc hiện nay "tập thể thao quá ít, chịu quá nhiều áp lực và có thời gian làm việc không lành mạnh".
Báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia cho biết tình trạng thừa cân ở trẻ em cũng đang tăng với 20% trẻ trong độ tuổi từ 6-17 có cân nặng vượt quá giới hạn khỏe mạnh. Năm 2012 tỉ lệ trẻ thừa cân ở Trung Quốc là 16%.
Thừa cân là một nhân tố nguy cơ lớn gây các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Quốc gia có tỉ lệ người dân thừa cân cao nhất tại châu Á là Malaysia, với khoảng 65% dân số thừa cân hoặc béo phì, theo số liệu năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Béo phì ở người trưởng thành là vấn đề đang gia tăng trên toàn thế giới, ở cả các khu vực giàu có lẫn những nơi người dân không đủ tiền để chi cho những bữa ăn lành mạnh với rau củ quả và thực phẩm giàu đạm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online