Bất chấp lệnh cấm đeo mặt nạ, trưa ngày 11/10/2019, vài trăm người biểu tình Hồng Kông vẫn mang mặt nạ tuần hành tại khu trung tâm tài chính. Họ chiếm một trục đường quan trọng, làm rối loạn giao thông, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình, được cho là căng thẳng, sẽ diễn ra trong hai ngày cuối tuần.

Đến sáng ngày 11/10, công ty quản lý hệ thống tầu điện ngầm Hồng Kông, MTR Corp, đã mở cửa trở lại tất cả các bến tầu sau một tuần bạo lực, nhưng sẽ đóng cửa vào 22 giờ (sớm hơn hai tiếng so với thông thường). Trước đó, người biểu tình đã nhắm phá hệ thống tầu điện ngầm vì công ty MTR Corp cho đóng cửa một số bến, theo lệnh của chính quyền Kồng Kông, để ngăn chặn người biểu tình.

Bên trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, hai phe dân biểu Hồng Kông, một bên ủng hộ Bắc Kinh, một bên ủng hộ dân chủ, đã thóa mạ nhau trước phiên họp ngày 11/10. Một số dân biểu đeo mặt nạ đen, một số khác mang tấm biển ghi :

 « Sự tàn bạo của cảnh sát vẫn còn, làm thế nào chúng ta có thể họp được ? ». Theo Reuters, điều này cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội và chính trường Hồng Kông.

Trong khi đó, trên trang Facebook ngày 10/10, đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok đã cảnh cáo việc một số chính trị gia Thái Lan ủng hộ các nhà đấu tranh Hồng Kông có thể « gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước ». Trước đó, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), nhà đấu tranh trẻ Hồng Kông đã đăng bức ảnh chụp chung với nhà tỉ phú Thái Lan Thanathorn Juangroongruangkit, người sáng lập đảng Tương Lai Mới, đối lập với chính quyền quân sự. Phía Bangkok chưa đưa ra bình luận.

42 1 Hong Kong Lai Chuan Bi Hang Loat Cuoc Bieu Tinh Cuoi Tuan

(Ảnh minh họa) - Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình che mặt. Ảnh chụp ngày 06/10/2019.

Bắc Kinh liên tục gây sức ép với các công ty công nghệ nước ngoài

Ngoài ra, Trung Quốc liên tục gây sức ép đối với các tập đoàn công nghệ nước ngoài bị chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông. Tập đoàn Apple của Mỹ đã phải chịu khuất phục trước sức ép của chính quyền Bắc Kinh khi xóa ứng dụng định vị cảnh sát ở Hồng Kông.

Lý do được ông Tim Cook giải thích trong thư gửi nhân viên của Apple ngày 10/10, là để « bảo vệ người sử dụng », tránh để người biểu tình quá khích tấn công « những cảnh sát bị cô lập », « những cá nhân hoặc tài sản tại những nơi không có cảnh sát bảo vệ ».

Trước đó, Google cũng phải xóa ứng dụng trò chơi điện tử, được đặt tên là « Cuộc cách mạng thời đại chúng ta » theo một khẩu hiệu của người biểu tình Hồng Kông. Trong trò chơi này, người chơi có thể đóng vai một người biểu tình Hồng Kông. Theo trang thông tin Hong Kong Free Press, được AFP trích dẫn, « 80% doanh thu từ trò chơi, dường như được chuyển cho Spark Alliance, một quỹ hợp pháp hỗ trợ người biểu tình bị bắt ».

Nguồn: Thu Hằng/ RFI




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC