Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc đến Nepal và được tổng thống Bidhya Devi Bhandari đón tiếp tại sân bay quốc tế Tribhuva
Tránh nêu đích danh Hồng Kông hay Tây Tạng, nhưng theo giới quan sát lời cảnh cáo này của ông Tập nhắm vào các thành phần đòi ly khai tại Tây Tạng và người biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông. Báo chí phương Tây trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình cảnh báo : mọi thành phần ly khai nhắm vào "bất kỳ phần lãnh thổ nào của Trung Quốc đều sẽ tan xương nát thịt (...). Mọi thế lực bên ngoài ủng hộ các âm mưu chia cắt Trung Quốc đều đang nuôi ảo tưởng". Từ đầu khủng hoảng chính trị Hồng Kông, Bắc Kinh đã tố cáo các thế lực bên ngoài đổ dầu vào lửa, ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ.
Phát biểu trên được đưa ra nhân cuộc tiếp xúc với thủ tướng Nepal và đáp lời chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Sharma Oli nhấn mạnh rằng Nepal, quốc gia có đường biên giới chung với vùng Tây Tạng, sẽ "không cho phép bất kỳ một thế lực nào sử dụng lãnh thổ Nepal làm địa bàn hoạt động chống lại Trung Quốc". Hiện có khoảng 20.000 người Tây Tạng sống tại Nepal.
Còn trong trường hợp của Hồng Kông, tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc được đưa ra vào lúc bạo động lại dấy trong hai ngày cuối tuần. Tới nay Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng can thiệp nhằm tái lập trật tự tại đặc khu hành chính này.
Thông tín viên Florence de Changy tổng kết :
« Người biểu tình Hồng Kông hôm Chủ Nhật kêu gọi "đi chợ" tại 19 trung tâm thương mại trên toàn lãnh thổ. Đi chợ là mật mã của người biểu tình. Tình hình đã xấu hẳn đi tại khoảng một chục địa điểm. Cũng giống như từ nhiều tuần qua, người biểu tình đã tập trung tấn công, đập phá nào là máy rút tiền tự động và cơ sở của Ngân Hàng Trung Quốc, nào là hàng ăn thuộc dây chuyền Maxim's với lý do con gái sáng lập viên hệ thống nhà hàng này chống đối người biểu tình, nào là các hiệu ăn thuộc một tập đoàn Trung Quốc có trụ sở tại Phúc Kiến, bởi tập đoàn này bị tình nghi là một tổ chức băng đảng, chống người biểu tình.
Ngoài ra, trong hai ngày qua, người biểu tình Hồng Kông còn đập phá văn phòng của bà Eunice Yung, một dân biểu thân Bắc Kinh, phá hoại nhiều cửa hàng của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Một vụ nổ mạnh hơn so với các loại bom xăng thường thấy đã xảy ra giữa hai chiếc xe vận tải của cánh sát. Theo giới điều tra, dường như đây là một quả bom tự tạo. Nếu đúng là như vậy thì người biểu tình trở nên hung bạo hơn, sử dụng các loại vũ khí lợi hại hơn so chứ không chỉ còn ném đá và ném bom xăng như từ trước tới nay.
Tại quận Quan Đường (Kwun Tong) một nhân viên cảnh sát bị người biểu tình dùng dao sắc đâm vào cổ. Tập Cận Bình đang công du Nepal, đây là lần đầu tiên từ 23 năm qua một nguyên thủ Trung Quốc đến Nepal, hôm Chủ Nhật tuyên bố "bất kỳ một ai tìm cách chia rẽ Trung Quốc sẽ bị nghiền nát" ».
Nguồn: Thanh Hà/ RFI