Người biểu tình ở Yangon, Myanmar phản đối cuộc đảo chính của quân đội - Ảnh: REUTERS
Cũng trong ngày 7-2, theo Reuters, hàng ngàn người dân Myanmar bất chấp nguy hiểm đã xuống đường biểu tình ở cố đô Yangon. Đây là ngày thứ hai liên tiếp các cuộc biểu tình nổ ra ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, để phản đối cuộc đảo chính quân sự hôm 1-2.
Đám đông mang theo ảnh của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và đa số mặc đồ đỏ, màu đặc trưng của đảng cầm quyền Liên minh quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD).
Nhiều người khác cũng đem theo các biểu ngữ mang nội dung phản đối quân đội Myanmar. Khi cùng nhau tuần hành khắp đường phố, người biểu tình giơ cao ba ngón tay, tương tự như phong trào ủng hộ dân chủ ở Thái Lan.
Ye Yint, một thanh niên 29 tuổi trong đoàn biểu tình, cho biết: "Chúng tôi không muốn sống dưới gót giày của quân đội".
Xe tải cảnh sát, lực lượng chống bạo động và vòi rồng đã được triển khai tại các khu vực xảy ra biểu tình, trong đó có địa điểm gần Đại học Yangon.
Theo Reuters, ngoài Yangon, biểu tình diễn ra ở nhiều bang khác và phần lớn là ôn hòa. Trên một đoạn video phát trực tiếp, đã có tiếng súng nổ vang lên ở phía đông nam thị trấn Myawaddy khi cảnh sát mặc sắc phục và có súng tấn công một nhóm vài trăm người biểu tình.
Người biểu tình phản đối đảo chính của quân đội ở Yangon, Myanmar - Ảnh: REUTERS
Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar, cho biết hơn 160 người đã bị bắt kể từ khi quân đội chiếm quyền.
"Các tướng lĩnh đang cố làm tê liệt phong trào phản kháng của người dân - và ngăn chặn thông tin lọt ra thế giới bên ngoài bằng cách cắt hầu như tất cả truy cập Internet", ông Andrews cho biết trong tuyên bố ngày 7-2.
Gần một tuần sau cuộc đảo chính quân sự khiến hàng loạt quan chức chính phủ bị bắt, Myanmar gần như rơi vào cảnh hỗn loạn. Hàng nghìn người Myanmar những ngày gần đây đã đổ xuống đường phản đối lực lượng quân đội, sau khi kết nối Internet tại nước này bị gián đoạn trên quy mô quốc gia, khiến họ không thể bày tỏ quan điểm.
Cuộc biểu tình đường phố đầu tiên ở Myanmar diễn ra tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, hôm 4-2. Trước đó, do lo ngại sức mạnh từ quân đội, người dân Myanmar chọn các cách phản đối cuộc đảo chính như đăng ảnh lên mạng xã hội, đình công, hát vang các bài ca dân chủ và liên tục gõ xoong chảo, bấm còi xe.
Quân đội Myanmar tuyên bố họ phải triển khai lực lượng bắt các lãnh đạo chính phủ nhằm giải quyết cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020 khi Đảng NLD của bà San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Bà San Suu Kyi được xác nhận sức khỏe vẫn tốt trong thời gian bị quản thúc tại nhà.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online